Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, sau thời gian thí điểm tại một số phường, Công an TP Hà Nội quyết định triển khai mở rộng việc thu thập dữ liệu dân cư trên địa bàn nhiều quận, huyện.
Không muốn lộ thông tin cá nhân
Bản mẫu kê khai được các tổ trưởng dân phố, cụm dân cư phát tới tận nhà dân với 32 đầu mục thông tin. Ngoài họ tên khai sinh, tên gọi khác, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi ở hiện nay..., người dân còn phải khai một loạt thông tin mang yếu tố rất cá nhân khác như: địa chỉ email, số CMND, tình trạng việc làm, trình độ học vấn, số thẻ bảo hiểm y tế, hội viên các hội...
Rất nhiều người dân tại các quận Hà Đông, Hoàng Mai và Thanh Xuân ở TP Hà Nội tỏ ra băn khoăn với việc kê khai thông tin cá nhân quá chi tiết này. “Có rất nhiều thông tin chúng tôi không muốn kê khai như email cá nhân, số hộ chiếu, số CMND… nhưng tổ trưởng dân phố bảo phải kê khai hết thì mới được chấp nhận” - ông Nguyễn Sơn, ngụ tại quận Hà Đông, bức xúc.
Chị Nguyễn Khánh Anh (quận Hoàng Mai) cho biết không thoải mái chút nào với việc kê khai nhiều thông tin như vậy. Theo chị, rất nhiều thông tin trong đó đã được các cơ quan về hộ khẩu, hộ tịch, CMND… quản lý.
Lãnh đạo Công an phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân; phường Định Công, quận Hoàng Mai; phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân... cho biết việc thu thập dữ liệu dân cư được thực hiện theo chỉ đạo của Công an TP Hà Nội. Sau một thời gian thí điểm tại 10 phường trên địa bàn TP, việc này đang được mở rộng tới tất cả các quận, huyện.
Theo ông Nguyễn Văn Thặng, Trưởng Công an phường Định Công, người dân không nhất thiết phải ghi tất cả 32 thông tin trong bản kê khai, chỉ cần kê khai những thông tin mình đang có.
Khó hiểu
Việc thu thập thông tin dân cư được Công an TP Hà Nội triển khai dựa trên tinh thần Nghị định 90/2010 của Chính phủ (quy định về cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011). Tuy nhiên, trong khi Nghị định 90 quy định chỉ thu thập 22 thông tin của công dân thì Công an TP Hà Nội đưa ra tới 32 dữ liệu phải kê khai.
Trong các cuộc họp gần đây giữa đại diện Bộ Công an và Bộ Tư pháp, nhiều chuyên gia tư pháp đã bày tỏ lo ngại khi Nghị định 90 đang được tiến hành sửa đổi cho phù hợp với đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thông qua việc cấp mã số định danh cá nhân. Tuy nhiên, một số địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Tây Ninh lại đang tiến hành các “dự án nhỏ” thu thập cơ sở dữ liệu dân cư nhưng lại không có sự trao đổi với Bộ Công an hoặc Bộ Tư pháp. Trong đó, Công an TP Hà Nội đưa ra rất nhiều thông tin để thu thập, vượt cả quy định của Nghị định 90.
“Việc thu thập dữ liệu dân cư phụ thuộc hoàn toàn vào kinh phí của địa phương nhằm phục vụ yêu cầu quản lý. Tuy nhiên, khi đề án cấp mã số công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đang được triển khai xây dựng mà Công an TP Hà Nội không trao đổi với Bộ Công an thì cũng rất khó hiểu” - một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7, Bộ Công an) băn khoăn.
Lo ngại về tính bảo mật Theo Nghị định 90, nguyên tắc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về cư trú, hộ tịch, quốc tịch, dân số, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin đời tư cá nhân, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và các quy định pháp luật liên quan. Một số chuyên gia tư pháp lo ngại việc thu thập nhiều thông tin cá nhân theo cách thức thủ công, không thu thập hoặc nhập thông tin trực tiếp về công dân tại trụ sở như Công an TP Hà Nội đang làm tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố bảo mật. |
Bình luận (0)