hỉ hơn 1 năm nhưng tại Tiểu khu 95, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh thuộc địa phận xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei xảy ra 2 vụ phá rừng với quy mô lớn. Hàng trăm khối gỗ quý đã bị lâm tặc khai thác.
Phát hiện nhưng không xử lý
Tháng 4-2012, lợi dụng việc tận thu gỗ, phóng tuyến khi thi công tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, người của Công ty Đoàn Kết (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã khai thác trái phép gỗ tại Tiểu khu 95 và bị lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh phát hiện.
Đến ngày 15-5-2013, ông Đinh Quốc Thắng, Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, mới nghe ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, báo cáo lại vụ việc và mới cho tiến hành điều tra, khám nghiệm lại hiện trường. Điều ngạc nhiên là đến lúc này, số lượng gỗ vi phạm bỗng nhiên giảm từ 245 m3 chỉ còn 128 m3(?!).
Vụ vi phạm còn chưa được điều tra, làm rõ thì tới tháng 7-2013, cũng tại Tiểu khu 95, lâm tặc ngang nhiên ủi đoạn đường dài hơn 600 m vào khai thác 44 cây gỗ có đường kính từ 40-90 cm, loại gỗ nhóm II-VI với khối lượng 92,7 m3, trong đó có hơn 20 m3 gỗ thông 5 lá (thông Đà Lạt) thuộc nhóm II là loại gỗ quý hiếm. Tuy nhiên, vụ việc chỉ được phát hiện khi toàn bộ số gỗ, phương tiện đã được chuyển ra khỏi rừng.
Nhiều người dân ở đây cho rằng do sự buông lỏng quản lý, đồng thời có sự tiếp tay của một số cán bộ kiểm lâm trên địa bàn nên lâm tặc mới lộng hành khai thác rừng cấm hết lần này đến lần khác.
Đổ lỗi lòng vòng
Sau hơn 3 giờ đi bộ, chúng tôi tiếp cận được hiện trường vụ khai thác 92,7 m3 gỗ. Đưa tay chỉ vạt rừng bị san phẳng chỉ còn trơ lại gốc lớn, ngổn ngang ngọn cành, ông Nguyễn Đức Thanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, cho biết khi xảy ra vụ phá rừng hồi tháng 4-2012 thì ông chưa về công tác tại địa bàn nên không nắm được vụ việc. Riêng vụ phá rừng hồi tháng 7-2013 xảy ra là “do đồng chí Nguyễn Thế Long, phụ trách địa bàn, không chịu đi tuần tra, kiểm soát và thời điểm lâm tặc khai thác trời mưa nhiều nên không phát hiện được”.
Nói về vụ việc trên, ông Trần Văn Tám, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, cho biết đã phát hiện vụ phá rừng trên vào ngày 17 và 18-4-2012, sau đó báo cáo cho hạt trưởng lúc đó là ông Nguyễn Đức Thịnh. Tuy nhiên, do không nhận chỉ đạo từ ông Thịnh nên ông không thể điều tra gì thêm. Còn ông Nguyễn Đức Thịnh thì cho rằng vào thời điểm trên đã nghe ông Tám báo về vụ phá rừng nhưng sau đó ông bàn giao chức vụ Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cho ông Đinh Quốc Thắng và đi học 3 tháng ở TP HCM nên không nắm rõ được vụ việc tiếp theo (?!).
Ông Đinh Quốc Thắng cũng khẳng định đã nhận bàn giao công tác từ ông Thịnh vào ngày 2-5-2012. Tuy nhiên, trong nội dung bàn giao từ ngày 1-1-2012 đến 30-4-2012 không có vụ việc khai thác gỗ trái phép tại Tiểu khu 95. Chỉ đến tháng 5-2013, ông mới nghe nói và đã chỉ đạo điều tra làm rõ. Ông Thắng cho biết đây là 2 vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố. “Tôi nghi ngờ có sự tiếp tay của một số cán bộ kiểm lâm trong những vụ phá rừng trên” - ông Thắng nói.
Huyện ủy Đăk Glei cũng xác nhận đã nghe thông tin về vụ phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Huyện ủy đã làm việc với lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, chỉ đạo phải nghiêm túc phối hợp với lực lượng công an huyện tích cực điều tra, làm rõ.
Giả danh người Công ty Đoàn Kết? Theo ông Đinh Quốc Thắng, sau khi xảy ra vụ việc đã mời lãnh đạo Công ty Đoàn Kết xử lý vụ việc. Công ty Đoàn Kết phủ nhận việc ông Hoàng Mạnh Hùng đại diện cho Công ty Đoàn Kết tận thu gỗ khi thi công đường. Ông Thắng cho biết ông Hoàng Mạnh Hùng thực chất là một cán bộ xã ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, sau khi nghe vụ phá rừng bị khởi tố, ông ta đã rời khỏi nơi cư trú. |
Bình luận (0)