Còn gì buồn hơn!
Ngay khi biết về bảng xếp hạng, bạn đọc Trần Quang Dinh tỏ ra chua chát: “Hết uống bia, ô nhiễm môi trường, phá thai, cướp giật... có tầm cỡ. Giờ đến phi trường cũng loại tệ. Còn gì buồn hơn!”.
Bạn đọc Phạm Xuân Kiên phải thốt lên: “Quá đúng! Internet ở sân bay chỉ lắp cho có, vào toilet thì quá tởm. Toilet sân bay Hải Phòng còn kinh hơn, bốc mùi ra tận chỗ lấy hành lý”. Bạn Nhị Bình thì than vãn: “Sân bay thiếu biển hướng dẫn nên khó tìm được nơi mình muốn đến. Hỏi nhân viên thì họ lại rất lạnh lùng và kiệm lời. Phải hỏi nhiều vừa mệt mỏi vừa mất thời gian, nhiều khi lo lắng vì sợ nhỡ chuyến bay. Cuối cùng đến khâu kiểm tra hành lý, tuy không mang hàng cấm nhưng vẫn rất sợ vì các anh hải quan lạnh lùng quá!”.
Một bạn đọc tên Chiến không chỉ chê wi-fi và điều hòa không khí ở sân bay Tân Sơn Nhất mà còn phản ảnh vệ sinh khu nội địa của sân bay này rất kém, toilet hôi thối nhưng chẳng thấy ai dọn. Bạn đọc Trần Mậu Huy bức xúc và nói thẳng: “Sân bay gì mà tiền dịch vụ thì thu đủ nhưng wi-fi thì toàn là khóa mạng?! Đây là những điểm không đáng để rồi bị du khách đánh giá tệ hại như thế. Các nhà quản lý, điều hành sân bay nghĩ gì?”
Không chỉ bức xúc về các vấn đề mà trang web The Guide to Sleeping in Airports đề cập, độc giả còn cung cấp nhiều thông tin về sự bất tiện ở hai cảng hàng không hàng đầu của đất nước. Bạn đọc Nguyễn Thanh Nga tỏ ra ái ngại ở khâu làm thủ tục nhập cảnh. “Đi đường xa không thấy mệt mà sợ nhất là lúc vào phi trường làm thủ tục nhập, xuất cảnh. Chưa bao giờ nghe các anh hải quan một lời hỏi thăm mà chỉ...” - bạn đọc có nickname Mắm than vãn.
Bạn Tư Bánh Xích còn đưa ra dẫn chứng về một tệ nạn ở sân bay Việt Nam, đó là ăn cắp vặt. “Bạn tôi ở Mỹ về đem theo 20 cái hộp quẹt Zippo mà bị móc lấy sạch” - bạn đọc này kể.
Bạn đọc với nickname cho rằng hàng không thuộc nhóm ngành dịch vụ nên không chỉ xét về tiêu chí cơ sở vật chất mà quan trọng hơn là thái độ và cung cách của con người tại đây. “Điều này ai cũng rõ, từ bảo vệ cho tới hải quan, nhân viên sân bay... rất kiệm lời với bộ mặt hình sự thường trực và hành khách có thể bị làm khó bởi bất kỳ một lý do nào. Các quan ngành Hàng không chắc là đã đi nhiều nước trên thế giới nên phải là người nhìn thấy điều này trước tiên chứ?!” - Lê La viết.
“Chê ta là bạn ta”
Tuy nhiên, điều khiến độc giả và cư dân mạng bức xúc hơn cả chính là thái độ thiếu cầu thị của Cục Hàng không Việt Nam khi đơn vị này cho rằng Sleepinginairports.net không phải một tổ chức chuyên môn đánh giá về dịch vụ hàng không. Việc xếp hạng cảng hàng không tại website này thuần túy dựa trên việc bình chọn của người truy cập qua mạng. Do đó, kết quả bình chọn này chưa phản ánh đầy đủ, khách quan việc cải thiện chất lượng dịch vụ tại 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất thời gian qua.
Ngay lập tức bạn đọc trankhoan dẫn một câu ngạn ngữ phương Tây để nói về trường hợp này: “Người chê ta là bạn ta, người khen ta là kẻ thù của ta”. Trankhoan nói: “Muốn tiến bộ phải biết chấp nhận góp ý chê bai của người khác. Kém hay giỏi tự khách hàng người ta đánh giá, việc gì phải giẫy như đỉa phải vôi như vậy!”. Tương tự, độc giả tên Nguyễn Văn Ren đưa ý kiến: “Kém thì họ nói kém, không lẽ kém thì kêu họ nói tốt!? Người ta chê thì mình phải tiếp thu và sửa chữa làm sao cho họ khen chứ người ta chê mà mình không nhận mà còn gân cổ lên cãi lại thì biết chừng nào mới tốt được”.
Bạn đọc Thanh Quang cho rằng: “Tốt hay không phụ thuộc nhiều ở các khâu tổ chức, điều hành, dịch vụ, nề nếp... chứ không hẳn vì cơ sở hạ tầng”. Bạn đọc này khuyên Cục Hàng không hãy biết tiếp thu và đừng xem đó là cái cớ để xin kinh phí hỗ trợ từ ngân sách để nâng cấp hạ tầng.
Trong khi đó nhiều bạn đọc khác đặt câu hỏi vì sao Cục hàng không không xem lại chính mình để sửa đổi tốt hơn mà đi “phản pháo” bảng xếp hạng thấp mà làm gì.
Bạn đọc tên Hải Hà khuyên Cục Hàng không cần “tập nghe phê phán để đi lên. Có gì đâu mà ồn ào. Lý ra các vị hữu trách cần phải cầu thị nếu có ai đóng góp thì tiếp thu, kiểm tra. Nếu sai thì sửa sẽ hay hơn, nhiều khi cứ khăng khăng là mình thơm tho trong khi người đầy mùi mồ hôi và mùi mắm ruốc... Doanh nhân cần xem ta hôm nay cái gì chưa hay thì sửa ngay, không đôi có với người góp ý. Họ góp hay chê đi nữa chỉ có tốt, tốt và cảm ơn họ”.
Bình luận (0)