xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thay đổi hành vi bằng lời đề nghị tử tế

ThS Nguyễn Thị Toàn Thắng (Học viện Cán bộ TP HCM)

Sử dụng ngôn ngữ cầu khiến cứng rắn không phải là lựa chọn phù hợp với tâm lý của người Việt Nam khi đề nghị người dân ngưng xả rác

Từ góc độ của một người nghiên cứu lịch sử văn hóa, tôi cho rằng ngoài ý thức của người dân quá kém, quản lý của chính quyền các cấp chưa tốt, nguyên nhân sâu xa hơn có tính chất dân tộc rất rõ nét.

Biểu hiện của tư duy phản kháng

Nhìn lại lịch sử của đất nước, dân tộc Việt Nam thường xuyên đứng trước các cuộc chiến tranh xâm lược. Để bảo tồn cái tôi cá nhân, bản ngã dân tộc, người Việt Nam luôn sống trong tâm thức phản kháng rất mạnh mẽ. Tâm thức phản kháng này ăn sâu, bám rễ và phát triển thành một kiểu phản ứng tâm lý có tính chất phản vệ với sự áp đặt mà biểu hiện phổ biến nhất là càng cấm càng làm cho bõ ghét.

Rác thải dày đặc rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, TP HCM) Ảnh: ĐỨC THANH
Rác thải dày đặc rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, TP HCM) Ảnh: ĐỨC THANH

Sự cấm đoán của các biển cấm không đơn thuần là một thông điệp gửi đến cộng đồng điều không được làm, điều xấu, trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam, đó là một dạng mệnh lệnh, một kiểu ra uy “đáng ghét” và họ muốn làm ngược lại để chứng tỏ không phục, bất tuân. Một kiểu tâm lý phản kháng tiêu cực điển hình. Mặt khác, xã hội Việt Nam truyền thống luôn định hình rất rõ ý thức “phép vua thua lệ làng”. Luật pháp chưa từng trở thành một hệ thống khuôn mẫu, có giá trị đủ sức răn đe và tác động mạnh mẽ vào việc điều chỉnh sự lệch lạc hành vi của cá nhân. Người Việt Nam quen sống theo tập quán và thói quen chung của cộng đồng. Cho nên, dù xấu hay tốt, dù nên hay không thì luật pháp không phải là nhân tố quyết định. Chỉ có lệ làng và thói quen chung của cộng đồng mới là thiết chế chính điều tiết hành vi của cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng càng cấm càng làm của người Việt Nam.

“Xin vui lòng…”

Thật ra, dù có sự bền vững tương đối trong mỗi cộng đồng dân tộc, văn hóa không phải là những hằng số bất biến, khi bối cảnh văn hóa thay đổi thì các giá trị văn hóa cũng biến đổi theo. Điều cốt lõi là chúng ta phải làm gì cho sự biến đổi giá trị văn hóa đi đúng nhu cầu phát triển bền vững mà chúng ta hướng đến.

Cách đây hơn 50 năm, Singapore chắc chắn chưa thể có được nếp sống văn minh như bây giờ. Vậy họ đã làm gì? Họ dùng giáo dục để thay đổi nhận thức, dùng luật pháp nghiêm minh để điều chỉnh và thay đổi hành vi của người dân. Muốn không còn cảnh xả rác, tiểu bậy, hái hoa, bẻ cành, câu cá… vô phép, từ trong gia đình, chúng ta phải dạy con trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh nhà cửa, không gian sinh hoạt chung để từng bước hình thành cho trẻ thói quen biết bảo vệ cái tốt, cái đẹp; dạy trẻ ý thức biết tôn trọng tài sản chung và tài sản riêng... Chỉ khi trẻ được giáo dục điều tốt mới có thể có hành vi tốt khi trưởng thành.

Đối với cộng đồng, thay vì viết biển “Cấm xả rác”, chúng ta nên thay bằng “Xin vui lòng đừng xả rác vì sức khỏe của bạn và cộng đồng”, chẳng hạn. Người ta dễ mềm lòng và ngại ngần hơn trước một hành vi đi ngược lại với sự kỳ vọng và mong đợi của người khác, nhất là với một lời đề nghị tử tế và ngọt ngào. Sử dụng ngôn ngữ cầu khiến cứng rắn không phải là lựa chọn phù hợp với tâm lý của người Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần có hệ thống quy phạm pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, đủ sức răn đe, giáo dục làm thay đổi hành vi của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, mọi sự đều nên đánh vào hầu bao là hiệu quả nhất.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-4

Vi phạm tràn lan,ít người bị xử phạt

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), tại điều 20 Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường thì hành vi vứt mẩu tàn thuốc, xả rác ở khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng hoặc vào hệ thống thoát nước ở các đô thị... có mức xử phạt từ 50.000 đồng đến 400.000 đồng. Riêng hành vi câu cá ở những nơi không được phép câu, pháp luật chưa xem là hành vi vi phạm hành chính và chưa bị chế tài.

“Mức xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe nhưng từ khi nghị định này có hiệu lực thi hành đến nay, cũng chưa thấy thống kê có bao nhiêu trường hợp người vứt mẩu tàn thuốc hoặc xả rác nơi công cộng bị xử phạt. Đặc biệt, quy định mức phạt, thẩm quyền xử phạt nhưng lực lượng lập biên bản làm căn cứ để người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì không có. Điều này cho thấy sự khiếm khuyết ngay trong quy định pháp luật, lý giải vì sao pháp luật có quy định nhưng lại không thể thực thi được một cách đầy đủ trong thực tế” - luật sư Đức phân tích.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, tại một số nước, mức phạt đối với các vi phạm về giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ môi trường rất nặng. Tại Singapore, người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa 1.000 đô-la Singapore; nếu tái phạm, mức phạt tăng lên 2.000-5.000 đô-la và phải lao động công ích.

“Gần đây nhất, một người đàn ông Singapore phải nộp phạt hơn 15.000 USD vì nhiều lần ném tàn thuốc lá ra ngoài cửa sổ một tòa nhà cao tầng. Không như ở Việt Nam, dù quy định xử phạt đã được ban hành nhưng vi phạm tràn lan mà rất ít ai bị xử phạt” - luật sư Hậu nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo