Cái chết của 7 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) tại biển Cần Giờ một lần nữa là lời cảnh báo tang thương về việc chủ quan của người lớn với tai nạn đuối nước. Dù cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận cuối cùng nhưng những cái chết tức tưởi này cho thấy sự thiếu trách nhiệm từ nhiều phía.
Chủ quan là chết người
Gần 100 học sinh tham quan vùng biển nhưng không có mấy giáo viên có kinh nghiệm về sông nước, không có áo phao, không có cứu hộ túc trực khi các em tắm... là điều khó có thể chấp nhận. Ai cũng hiểu học sinh rất hiếu động nên khi đưa các em đi vui chơi luôn phải có những biện pháp đề phòng ngặt nghèo, kiểm soát chặt chẽ. Với những gì đã xảy ra, chúng ta có thể nói người lớn đã thiếu trách nhiệm đối với những cái chết thương tâm này.
Bạn đọc Trần Minh Nguyệt, bày tỏ: “Xót xa quá. Mang hàng trăm học sinh du lịch biển nhưng lại chẳng có chuẩn bị gì cho chu đáo. Thầy cô giáo thì có mấy người hiểu về cứu hộ. Trong khi lực lượng cứu hộ tại bãi biển này cũng không bài bản. Ca nô cứu hộ thì để bị hư hỏng, gãy cánh quạt... Ai ở trong hoàn cảnh của bảy gia đình phụ huynh mới hiếu hết thế nào là đau xót. Tai nạn đuối nước ở các tỉnh phía Nam thường xuyên xảy ra nhưng lúc nào cũng gặp sự tắc trách của những người liên quan”.
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi có 7 học sinh bị chết đuối tại bãi biển Cần Giờ, TP HCM. Ảnh: Như Phú
Cứu hộ tại các bãi tắm du lịch ở nhiều nơi được tổ chức rất chu đáo. Như tại bãi biển Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng...lực lượng cứu hộ luôn túc trực trên những chòi canh cao. Khi thấy có người ra xa bãi tắm lập tức thổi còi nhắc nhở. Thậm chí nếu không nghe họ lái ca nô cá nhân ra tận nơi yêu cầu quay vào bờ. Còn bãi tắm Cần Giờ thú thật chẳng thấy lực lượng này ở đâu. Chỉ một vài người lảng vảng cho có. Nếu có sự cố xảy ra như trên thì cũng chẳng biết và chẳng có phương án cứu hộ kịp thời. “Cũng may là chỉ có 8 em ra tắm và bị sóng cuốn 7 em. Nếu hôm ấy vài chục em cùng xuống tắm thì hậu quả còn lớn đến mức nào” - bạn đọc Hoàng Thanh đặt vấn đề.
Đừng để các em phải trả giá
Nhiều bạn đọc cho rằng cái cách tổ chức cho học sinh tham quan du lịch hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập. Trước hết là những công ty tổ chức du lịch thường ít kinh nghiệm tổ chức những chuyến du lịch cho học sinh. Với một hai hướng dẫn viên theo một đoàn cả trăm học sinh hiếu động như thế này thì họ không có cách nào quản lý nổi.
Bạn đọc Thanh Hà cho rằng: Ngành giáo dục xem đây là bài học kinh nghiệm và phải có phương án tổ chức tham quan hiệu quả, an toàn. Những chuyến đi biển rất nguy hiểm. Nếu không có những biện pháp an toàn tuyệt đối thì nên cấm tổ chức. Thực tế các trường học thường không có kinh nghiệm tổ chức du lịch tập thể với số đông. Các thầy cô quản sĩ số học sinh trong lớp còn cực kỳ khó khăn huống gì các em được tự do vui chơi ngoài trời. Không chỉ tham quan biển mà các nơi khác như vùng núi, sông nước... cũng trở nên nguy hiểm nếu không có nhà tổ chức chuyên nghiệp.
Thân nhân của một học sinh bị tai nạn khóc ngất trước cái chết thương tâm của con. Ảnh: Như Phú
Nhiều phụ huynh cho biết, tổ chức cho học sinh tham quan, du lịch là điều cần thiết để các em học hỏi, giao lưu kinh nghiệm và có kiến thức thực tế... Nhưng cách tổ chức ồ ạt như các trường hiện nay không ổn chút nào. Mỗi lần trường tổ chức cho học sinh tham quan nơi nào xa nhà một chút là họ rất lo lắng và thực tế nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra đã cho thấy lo lắng của họ là có cơ sở. “Học sinh là những mầm non còn cả tương lai dài trước mắt. Đừng để sự vô tâm, chủ quan của người lớn mà các em phải trả giá bằng mạng sống của mình” - bạn đọc Lý Văn Chấn, nói.
Bình luận (0)