Ngày 6-9, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã chủ trì cuộc họp chốt phương án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương.
Không còn lựa chọn nào khác
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM (chủ đầu tư), cho biết toàn bộ dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương dài 3,5 km từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, rộng 48 m, nâng cao độ tại tim đường lên 2 m.
Đường Kinh Dương Vương nâng lên quá cao ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 500 hộ dân Ảnh: SỸ ĐÔNG
Dự án chia làm 3 gói thầu. Trong đó, 2 gói thầu từ vòng xoay Phú Lâm đến đường Tên Lửa và vòng xoay An Lạc đến đường Hồ Học Lãm đã gần hoàn thiện. Gói thầu còn lại là đoạn giữa, từ đường Tên Lửa đến đường Hồ Học Lãm tạm ngưng thi công do gặp nhiều phản ứng của người dân.
Để khắc phục dự án, trung tâm đã đưa ra các phương án: hạ cao độ vỉa hè 10 cm, 35 cm và 60 cm. Cả 3 phương án này, tim đường không thay đổi. Phương án 4 là hạ cao độ mặt đường 25 cm kết hợp hạ cao độ vỉa hè 10 cm (tổng thể hạ vỉa hè, tim đường 35 cm). Tuy nhiên, cao độ đoạn đường này chỉ còn 1,65 m, thấp hơn mức triều cao nhất 1,68 m. Nếu mưa lớn kết hợp triều cường thì khu vực này phải cần trạm bơm công suất 42.000 m3/giờ để chống ngập cho 44 tuyến hẻm bị ảnh hưởng khi nâng đường Kinh Dương Vương. Phương án này đã được lấy ý kiến người dân và đa số đồng tình.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết khi lấy ý kiến người dân, dự án đã thi công hai đầu tuyến đường. Chủ đầu tư đưa ra nhiều phương án nhưng vẫn giữ nguyên cao độ. Chỉ có phương án thứ 4 là giảm cao độ đoạn ở giữa chưa thi công nên dù đồng ý, người dân vẫn không hài lòng bởi không còn lựa chọn nào khác.
“Dự kiến trạm bơm sẽ xây dựng trên khu đất công rộng khoảng 400 m2, chi phí khoảng 76 tỉ đồng, xây dựng trong 14 tháng. Khi TP chấp thuận chủ trương thì mới thiết kế” - ông Dũng nói.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Văn Khoa đồng ý giảm cao độ đoạn giữa đường Kinh Dương Vương xuống 35 cm, 2 đoạn còn lại giữ nguyên cao độ; đồng thời xây dựng một trạm bơm để giải quyết tình trạng ngập cho người dân. Ông Khoa yêu cầu Trung tâm Chống ngập TP khẩn trương thi công đường Kinh Dương Vương ngay.
“Đất đã có rồi, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để triển khai nhanh nhất có thể. Đây không phải là giải pháp tốt nhất nhưng là giải pháp chấp nhận được” - ông Khoa nhìn nhận. Đối với trạm bơm, ông Khoa cho biết sau khi TP hoàn chỉnh các dự án chống ngập ở khu vực này thì có thể chuyển đến phục vụ nơi khác.
“Nhà nước làm nhanh nhanh giùm”
Đi dọc tuyến đường Kinh Dương Vương giữa cái nắng gay gắt trưa 6-9, chúng tôi phải hứng chịu từng đợt bụi bay mù mịt, xộc thẳng vào mặt mũi mỗi khi có ô tô chạy qua. Vỉa hè nham nhở, cạnh đó là những hố ga và bồn cây xanh dựng lên nằm trơ trọi khiến việc đi lại, buôn bán của người dân 2 bên đường gặp nhiều trở ngại.
Bà Nguyễn Thị Nhàn (ngụ phường An Lạc A) cho biết từ khi công trình ngưng thi công đến nay, quán cơm của bà ngày càng ế ẩm. Trước đây, mỗi ngày quán bà Nhàn bán được gần 150 phần cơm nhưng hiện nay lai rai chưa tới 50 phần. “Người đi đường chỉ muốn qua “đoạn đường đau khổ” này cho nhanh chứ mấy ai dám ghé vào quán vừa ăn vừa hứng bụi. Chúng tôi chỉ mong sao chính quyền nhanh chóng thi công để hoàn thiện vỉa hè, mặt đường chứ như vậy hoài, làm sao người dân chịu nổi?” - bà Nhàn than phiền.
Trên đoạn đường này có nhiều cửa hàng, cơ sở sản xuất bị xây hàng rào trước nhà nên khách cũng ít đến. Nhiều nơi không trụ nổi phải treo bảng bán nhà hoặc cho thuê. Ông Trần Văn Toàn, chủ một tiệm sửa xe ở đây, cho biết dù nhà ông đã nâng lên gần bằng độ cao của mặt đường nhưng vỉa hè quá xấu xí, thêm một số hố ga án ngữ trước cửa nên hiện khách đến tiệm ông chủ yếu là quen chứ người đi đường ít khi dừng.
“Chúng tôi phải tốn tiền nâng nền, lại mất thu nhập suốt mấy tháng qua, giờ mệt mỏi lắm rồi, chỉ muốn nhà nước làm nhanh nhanh giùm, đồng thời cần có chính sách hỗ trợ để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống” - ông Toàn mong mỏi.
Về đề nghị của UBND quận Bình Tân hỗ trợ kinh phí cho người dân nâng nền, ông Lê Văn Khoa cho biết UBND TP HCM giao Hội đồng Thẩm định bồi thường xem xét, đề xuất mức cụ thể.
Bình luận (0)