Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, cho biết toàn tỉnh hiện có trên 15.500 người khuyết tật. Cũng như những địa phương khác, tỉnh tập trung thực hiện chính sách chăm lo, hỗ trợ dạy nghề, việc làm nhằm giúp họ hòa nhập cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có không ít người tự vượt lên chính mình, không đầu hàng số phận.
Phương vé số
Anh Võ Tấn Phương (SN 1970, ngụ phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) bị cụt 2 chân từ năm 18 tuổi vì căn bệnh tắc nghẽn động mạch. Cha mất, mẹ phải gán ngôi nhà để lấy tiền chữa bệnh cho anh. Không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình, anh Phương xin mẹ vào TP HCM bán vé số. “Ban đầu, tôi phải chống tay và đi bằng mông để bán vé số. Về sau, một hội từ thiện giúp cho tôi chiếc xe lăn nên cũng đỡ vất vả” - anh Phương kể.
Hạnh phúc của đôi vợ chồng khuyết tật được nhân đôi khi 2 người con kháu khỉnh là Võ Gia Hân và Võ Gia Long lần lượt ra đời. Không muốn đời con khổ như mình, anh Phương ở lại TP, còn chị Hà về quê lo nuôi dạy con. Cháu Hân năm nay vào lớp 3, còn cháu Long đang học lớp 1. Trong ngôi nhà vừa được sửa chữa từ những đồng tiền do anh Phương gửi về luôn tràn ngập tiếng cười đùa của con trẻ. Hôm tôi đến nhà, chị Hà vừa dắt xe đạp ra chở các con đến trường. “Đưa các con đến trường xong là tôi đi bán vé số. Cứ 1 tháng anh lại về quê 1 lần, gia đình đoàn tụ thật là vui. Hình ảnh của anh trong tôi luôn lành lặn” - đôi mắt người mẹ trẻ khuyết tật như sáng lên.
Vun vén hạnh phúc
Năm 20 tuổi, sau khi lập gia đình, một chứng bệnh về mắt khiến chị Phan Thị Phấn (36 tuổi, ngụ phường 9, TP Tuy Hòa) rơi vào cảnh mù lòa. Người chồng cưới nhau chưa đầy 1 năm bỏ đi. “Nhiều lúc tôi đã muốn tìm đến cái chết nhưng rồi nghĩ lại thì thấy như vậy là hèn quá. Mình phải sống, biết đâu sẽ tìm thấy hạnh phúc” - chị Phấn nói.
Với suy nghĩ phải chọn cho mình con đường để mưu sinh, chị Phấn học cách tẩm quất. Không đẹp, không lành lặn, chị cố gắng nâng cao tay nghề để làm vừa lòng khách. Thế là bàn tay tẩm quất của chị được nhiều trung tâm biết đến. Ba năm trước, chị chuyển ra tỉnh Quảng Ngãi làm việc và gặp người đồng nghiệp Nguyễn Trung Trực (56 tuổi, quê Quảng Ngãi), cũng bị mù từ nhỏ. Đám cưới của đôi vợ chồng mù diễn ra đơn giản với 2 bên gia đình và toàn bộ khách là những người làm nghề tẩm quất.
Rồi chị mang song thai và về quê sinh 2 cháu trai kháu khỉnh. Ngôi nhà nhỏ còn trống trước, hở sau vỡ òa hạnh phúc. Cha mẹ chồng chị vốn lo lắng con trai mình không thấy đường đi lại lấy người vợ mù thì không biết sống ra sao, giờ rất mừng rỡ khi có 2 đứa cháu nội dễ thương. Trông chị Phấn một tay bế con cho bú, một tay loay hoay thay tã mới thấy hết nỗi vất vả của người mẹ mù nuôi 2 con nhỏ. Thế nhưng, gương mặt chị vẫn ngời lên niềm hạnh phúc. “Trời không lấy của ai sạch sành sanh cả, vẫn có chỗ cho mình tìm hạnh phúc, miễn là biết vun vén” - chị Phấn nói.
Thoát nghèo vì... sửa nhà (!) Vợ chồng anh Võ Tấn Phương và chị Phạm Thị Hà được xét vào hộ nghèo, hưởng chính sách theo quy định. Thế nhưng năm 2012, sau khi sửa sang lại ngôi nhà cũ nát của gia đình bằng tiền dành dụm và mượn thêm bạn bè, anh chị bị địa phương loại khỏi danh sách hộ nghèo. Từ phản ánh của phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Minh Thảo, Chủ tịch UBND phường 6, TP Tuy Hòa, cho biết sẽ xem xét lại. |
Bình luận (0)