xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trắng tay về nước

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Sau nhiều năm sang Philippines buôn bán, nhiều người dân tỉnh Phú Yên trắng tay trở về và họ cho rằng giữ được mạng sống từ tâm bão Haiyan đã là may mắn

Ngày 20-12, bà Lương Thị Phấn (42 tuổi, ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) tổ chức bữa cơm đạm bạc tại nhà để mừng những người đồng hương may mắn thoát chết trong cơn bão Haiyan ở Philippines vừa qua. Đã có 31 người dân tỉnh Phú Yên được Bộ Ngoại giao đưa về quê theo nguyện vọng khi mất sạch tài sản.

“Tìm đâu ra tiền trả nợ?”

Bà Lương Thị Phấn kể: “Lúc đó, tôi đang ở Cebu, chỉ bị ảnh hưởng bão nhẹ. Sau khi bão tan, chúng tôi điện thoại cho những người đồng hương ở Tacloban nhưng đều không liên lạc được. Chúng tôi nghĩ rằng họ đều đã chết. Chồng tôi bảo bằng mọi giá phải sang đó để tìm thi thể họ đưa về quê nhà”. Nhưng may mắn, khoảng 50 người Phú Yên sống ở Tacloban đều sống sót qua cơn bão. Họ được đưa về Cebu, riêng bà Phấn nhận cưu mang 8 người đến ngày trở về nước.

img

Bữa ăn đạm bạc mừng những người sống sót sau bão Haiyan trở về ở nhà bà Lương Thị Phấn

Phần lớn người dân Phú Yên sang Philippines kinh doanh nhỏ. Ông Đinh Văn Gìn (43 tuổi, ngụ phường Phú Đông) cùng con trai là anh Đinh Văn Dũng và em vợ là ông Nguyễn Tấn Hoàng sang Tacloban kinh doanh gần 2 năm nay. “Gọi kinh doanh cho sang chứ thật ra là bán hàng rong như quần áo, giày dép... Chủ yếu là bán nợ, sau 3 tháng mới lấy tiền. Khi bão đến, hàng hóa mất sạch, người nợ tiền thì giờ chết hết rồi, lấy ai mà đòi. Tôi chỉ còn mỗi chiếc quần đùi khi rời khỏi Tacloban” - ông Gìn ngậm ngùi.

Cùng cảnh ngộ như ông là vợ chồng anh Trần Quốc Duy (31 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thu Hương (29 tuổi, ngụ phường Phú Đông). Vợ chồng anh Duy vay mượn hơn 10.000 USD cùng với số vốn gia đình cho gần 10.000 USD sang Tacloban mua bán quần áo được 2 năm. Cả vốn lẫn lãi anh Duy tích cóp được khoảng 40.000 USD. “Vợ chồng tôi dự tính kiếm thêm ít tiền để qua giêng về sửa nhà nên đầu tư hết vào mở rộng mua bán, nào ngờ bão đến cuốn đi sạch. Giờ tìm đâu ra tiền để trả nợ?”- anh Duy lo lắng.

Ngoài việc Bộ Ngoại giao lo toàn bộ thủ tục, tiền vé máy bay, vé xe đưa những người Việt bị nạn trong cơn bão Haiyan ở Philippines về đến tận quê nhà, Tổ chức Di cư quốc tế còn hỗ trợ mỗi người 1.000 USD (đưa trước 500 USD, số còn lại sẽ trao trong 3 tháng) để ổn định cuộc sống.

Ám ảnh hằng đêm

Ông Nguyễn Duy Đức (60 tuổi, ngụ phường Phú Đông) cho biết trên chuyến bay từ Philippines về Việt Nam, khi tiếp viên thông báo sắp hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông muốn bật khóc. “Cái cảm giác bình yên khi trở về quê nhà thật khó tả. Thế nhưng, 3 đêm rồi ở quê nhà, đêm nào  tôi cũng giật mình khi mơ thấy cảnh hỗn loạn, đổ nát, hôi của trong cơn bão khủng khiếp ấy” - ông Đức nói.

Ông Đức cùng 2 con là Nguyễn Tiến Phát và Nguyễn Nhật Duy sang định cư cách thành phố Tacloban khoảng 20 km đã 13 năm với nghề mua bán quần áo, giày dép. Khi bão Haiyan sắp đổ bộ, bằng kinh nghiệm của người nhiều năm đi biển nơi quê nhà, ông biết nó rất khủng khiếp nên cùng 2 con đóng cửa nhà thuê lên trung tâm Tacloban để trú tránh. “Không ngờ khi bão đến, cả Tacloban bị nhấn chìm trong cuồng phong và sóng dữ. Hai con tôi bị nước cuốn trôi nhưng may mắn bám được trên ngọn cây dừa gần đó và chịu tới sáng” - ông Đức kể. Ngày ông Đức cùng 2 con trở về, bà Phạm Thị Thân chỉ biết cầm tay chồng con và khóc.

Bà Phạm Thị Ngọc Lưu Ly (57 tuổi) cũng chưa có đêm nào ngủ yên dù đã về quê nhà bởi luôn ám ảnh trận bão mà bà chưa bao giờ thấy trong đời. Bà Ly sang Tacloban để trông cháu cho vợ chồng con gái đã 2 năm nay. Sống ở miền Trung quen với bão lũ nhưng khi cơn bão Haiyan đổ vào Tacloban, bà chỉ biết ôm cháu ngồi khóc. “Những ngày sau bão mới thật khủng khiếp. Chúng tôi chỉ ăn dừa và uống nước mưa, còn ít gạo dành nấu cháo cho cháu. Khi bước ra đường, thấy người chết nằm la liệt” - bà Ly kể. 

Sống sót nhờ kinh nghiệm

Những người dân Phú Yên từ Philippines trở về đều cho rằng mình sống được qua cơn bão đều là nhờ may mắn. “Chúng tôi biết Philippines là đất nước gánh chịu nhiều thiên tai. Không chỉ bão mà còn có sóng thần nên khi sang bên ấy, chúng tôi tìm thuê những ngôi nhà được xây tương đối kiên cố, dù hơi đắt. Nhờ vậy khi bão đến, những ngôi nhà xung quanh sập đổ nhưng nhà chúng tôi trọ chỉ bay mất phần trên, vách vẫn còn, nếu không thì cũng bị đè chết rồi”- ông Đinh Văn Gìn nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo