Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tạo điều kiện, thói quen cho công dân tự giác học tập, tìm hiểu, trao đổi pháp luật; xây dựng lối sống, làm việc theo pháp luật từ văn hóa số sẽ góp phần xây dựng TP HCM ngày càng hiện đại, văn minh và an ninh.
Hiệu quả chưa cao
TP HCM hiện có một lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên đông đảo thuộc các ngành: tuyên giáo, tư pháp, các cơ quan, đoàn thể phối hợp từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường.
Trước đây, hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chủ yếu thông qua các buổi học nghị quyết, pháp luật theo định kỳ; qua hội thảo bàn tròn hay kết hợp trong các cuộc họp tổ dân cư, khối phố... giới hạn số người tham gia.
Một số ngành kết hợp thực hiện việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật bằng hình thức trực quan khá tốn kém như xây dựng cụm panô lớn nhưng chỉ chuyển tải được nội dung khẩu hiệu ngắn gọn (ví dụ: Nộp thuế là yêu nước!) nên hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa cao.
Tại các cơ quan văn hóa, khu dân cư văn hóa có đặt "Tủ sách pháp luật" nhưng với việc bổ sung, thay đổi nội dung pháp luật; văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước thì những tủ sách pháp luật dần trở nên lỗi thời so với tốc độ phát triển nên người tìm đọc cũng thưa dần.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tuyên truyền trực tiếp, tập trung đông người lại càng bị hạn chế hơn nhưng việc ứng dụng công nghệ để tuyên truyền phòng chống dịch lại phát huy hiệu quả do tốc độ truyền tải thông tin nhanh, được lặp đi lặp lại thay vì chờ đợi, được tương tác, trao đổi rộng rãi.
Bằng những phương tiện liên lạc hiện đại, với website, blog, các mạng xã hội, những nội dung, ý tưởng từ người tuyên truyền đến trực tiếp với người cần tuyên truyền nhanh và nhận lại phản hồi cũng trong giây lát...
Cổng thông tin Tuyên truyền phổ biến pháp luật TP HCM là nơi thông tin những chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật, cũng là tủ sách pháp luật điện tử được nhiều người dân quan tâmẢnh: Hoàng Triều
Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
Tương tự, để việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả hơn, TP HCM cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thành lập những trang web với hình thức như "Thư viện pháp luật điện tử" để chia sẻ thông tin, điển hình như cổng thông tin Tuyên truyền phổ biến pháp luật TP HCM đang làm.
Ngoài ra, không chỉ phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật mà thông qua những tương tác, trao đổi qua lại trên môi trường văn hóa số có thể góp phần gợi mở những suy nghĩ, giải pháp phong phú.
Sở Tư pháp TP HCM cần tham mưu UBND thành phố xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các hội, đoàn thể, phường, xã trong công tác tuyên truyền.
Thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn trực tuyến cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.
Báo cáo viên, tuyên truyền viên ngoài việc thường xuyên nghiên cứu, học tập nắm chắc các nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật do mình phụ trách, còn phải tăng cường rèn luyện kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để thu hút người được tuyên truyền.
Ở từng khối phố văn hóa, khu dân cư văn hóa…, thông qua mạng xã hội, qua các nhóm Zalo, Facebook, các báo cáo viên, tuyên truyền viên thường xuyên thông tin những nội dung, kiến thức pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước mang tính thời sự, đúng định hướng, kết hợp những hình thức tuyên truyền khác.
Từng báo cáo viên, tuyên truyền viên tại địa bàn phụ trách thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội, những vấn đề người dân đang quan tâm để kết hợp thông qua mạng xã hội tương tác hướng dẫn, giải thích cho người dân; tạo thói quen cho người dân tìm hiểu, học tập, trao đổi pháp luật trên môi trường điện tử.
Tuyên truyền viên của hội phụ nữ phối hợp tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình...; ngành tài nguyên và môi trường phối hợp tuyên truyền Luật Đất đai... Kết hợp chọn lọc, chia sẻ những bài viết, những thông tin hay, gần gũi, dễ hiểu để phục vụ tuyên truyền; đồng thời qua sự tương tác thông tin, giao lưu, hỏi đáp trực tuyến kịp thời tham mưu cho chính quyền có những quyết sách phù hợp.
Ngành tư pháp phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao; các ban, ngành, hội, đoàn thể tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; xây dựng video clip những tiểu phẩm, câu chuyện giải quyết tình huống pháp luật mang ý nghĩa tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật góp phần làm đa dạng, phong phú nội dung tuyên truyền.
Hằng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức đánh giá hiệu quả phát triển văn hóa số trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để rút ra những bài học kinh nghiệm.
Tuyên dương khen thưởng những đơn vị, địa phương; những báo cáo viên, tuyên truyền viên có sáng kiến; nhân rộng các mô hình tiêu biểu đã thực hiện hiệu quả việc đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền.
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)