Bộ Y tế đã xây dựng lộ trình tăng viện phí thời gian tới. Giá viện phí mới sẽ tính cả lương và các khoản phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật của nhân viên y tế.
Tăng theo từng năm
Bộ Y tế cho biết theo Nghị định 85/2012, năm 2014, khung viện phí sẽ được xây dựng theo hướng chi phí phụ cấp thường trực của nhân viên y tế được tính vào giá ngày - giường điều trị nội trú; chi phí phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật được tính vào giá của từng phẫu thuật, thủ thuật.
Giai đoạn 2016-2017, viện phí sẽ tính 50% tiền lương của nhân viên y tế đối với BV tuyến quận, huyện; các BV còn lại là 100% tiền lương và khấu hao trang thiết bị trực tiếp thực hiện dịch vụ cũng tính vào viện phí. Sau năm 2018, viện phí sẽ tính đầy đủ 7/7 yếu tố thực hiện dịch vụ.
Với lộ trình thực hiện tăng viện phí như trên, Bộ Y tế cho rằng điều quan trọng là phải bảo đảm tăng độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải bỏ tiền túi ra chi trả thêm. Hiện nay, chi trả cho dịch vụ y tế từ tiền túi của người dân vẫn chiếm gần 50%. Đây là nguyên nhân khiến người dân bị nghèo hóa vì các chi phí y tế.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, viện phí đang thực hiện tại 62/63 tỉnh, thành phố mới tính 3/7 yếu tố: thuốc, dịch truyền, máu, vật tư; điện, nước, thông tin liên lạc, khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn, xử lý môi trường và duy tu, bảo dưỡng thiết bị.
Ông Liên cho rằng việc điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, thu đủ sẽ giảm dần tình trạng ngân sách nhà nước phải bù quá lớn cho các BV. Thay vào đó, số tiền này sẽ dành hỗ trợ những đối tượng không có khả năng mua thẻ BHYT và hỗ trợ một phần mua thẻ BHYT.
“Thực tế, sau khi điều chỉnh viện phí, bệnh nhân đã được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn do cơ sở y tế có điều kiện cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, trang thiết bị, triển khai kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng mở rộng việc hỗ trợ người dân tham gia BHYT” - ông Liên nhận xét.
Cõng thêm nhiều khoản phí
Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám đốc BV Việt Đức, Hà Nội - lo ngại viện phí sẽ tăng ít nhất 20% nếu tính lương của nhân viên y tế và các khoản phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào. Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Hà Nội - cũng cho rằng viện phí sẽ bị đẩy lên 20%-30%.
Trong số hơn 600 dịch vụ đang được thực hiện tại BV Việt Đức, năm 2012, chỉ có 180 dịch vụ nằm trong diện điều chỉnh giá. “Lộ trình tăng viện phí mới là tăng ở tất cả các dịch vụ mà BV đang thực hiện nhưng mức tăng được bổ theo đầu người hay tính trực tiếp vào dịch vụ kỹ thuật thì còn phải tính toán” - bà Hường giải thích.
Bà Hường cho rằng về lâu dài, viện phí sẽ được tính đúng, tính đủ nên ngoài những người khá giả có khả năng tự chi trả dịch vụ thì các đối tượng còn lại cần tham gia BHYT. BHYT hiện hỗ trợ 80%-100% nhưng khi viện phí được tính đủ, người thu nhập bình thường nếu không có thẻ BHYT sẽ bị tác động không nhỏ.
Theo ông Liên, không phải dịch vụ nào cũng tính thêm 20%-30% mà một số chỉ tăng 5%-10%. “Chẳng hạn, với kỹ thuật có mức thu 10 triệu đồng nhưng chỉ 2-3 người thực hiện thì mức điều chỉnh sẽ khác dịch vụ có mức thu 40.000-50.000 đồng/kỹ thuật nhưng lại đến 5-6 người thực hiện” - ông Liên giải thích.
Mức tiền lương, phụ cấp của nhân viên y tế được tính vào giá ngày - giường và giá phẫu thuật, thủ thuật cũng sẽ được tính toán phù hợp với hạng BV. “Khung viện phí mới được xây dựng theo lộ trình, còn thời gian thực hiện và áp khung giá bao nhiêu sẽ do HĐND và UBND cấp tỉnh quyết định. Ngay cả với Thông tư 04 (điều chỉnh một phần viện phí, ban hành tháng 4-2012), hiện vẫn còn TP HCM điều chỉnh viện phí mới, trong khi Hà Nội tháng 8 vừa qua mới thực hiện” - ông Liên nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng tăng viện phí là điều kiện để nâng cao quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT, là cơ hội tốt cho cả bệnh nhân và cơ sở y tế. “Yêu cầu của Bộ Y tế là song song với việc điều chỉnh viện phí, các cơ sở phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Tính toán mức trần dịch vụ Bộ Y tế cho biết đang lấy ý kiến về việc quy định khung giá viện phí dịch vụ tại các BV công lập. Theo đó, giá khám bệnh, các thủ thuật, xét nghiệm, chiếu chụp… sẽ được quy định theo mức trần. BV không được thu quá mức trần mà Bộ Y tế ban hành. Theo ông Nguyễn Nam Liên, các BV có quyền tự chủ, mở hoạt động khám dịch vụ, khám theo yêu cầu cho người có khả năng chi trả. Việc này hoàn toàn hợp lý để BV lấy chi phí từ dịch vụ bù đắp cho các hoạt động chung. Tuy nhiên, để thống nhất viện phí khu điều trị theo yêu cầu, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang hướng tới việc quy định mức trần để các BV căn cứ vào mức này đưa ra chi phí phù hợp. |
Bình luận (0)