Với hy vọng được nhập cư Úc, nhiều người dân ở Nghệ An đã vay mượn một khoản tiền lớn, từ 6.000-15.000 USD/trường hợp để nộp cho các đối tượng chuyên tổ chức đưa người vượt biên.
Những chuyến đi hãi hùng
Tháng 3-2013, anh Cảnh và một số người đồng hương khác được một đầu nậu chuyên tổ chức vượt biên sang Úc ở xã Nghi Vạn đưa vào TP HCM rồi lên máy bay sang Indonesia. Tại đây, họ được đưa sang Úc bằng thuyền. “Thuyền nhỏ nhưng chở đến 60-70 người. Mấy ngày đầu, thuyền bị sóng đánh trôi lênh đênh trên biển khiến ai cũng vô cùng hoảng sợ; nhiều người tuyệt vọng, nghĩ đến cái chết. Sau 12 ngày lênh đênh, thuyền cũng đến được vùng biển gần Úc và bị cảnh sát bắt giữ. Lúc được tàu cảnh sát đưa lên bờ, chúng tôi mới nghĩ là mình còn sống” - anh Cảnh nhớ lại.
Cũng bằng cách trên, vào tháng 1-2013, anh Nguyễn Văn Bá (ngụ thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc) cùng 8 người khác được một người tên là Tính ở xã Nghi Vạn tổ chức vượt biên sang Úc. Từ đảo Kupang - Indonesia, nhóm người trên được ông Tính dẫn xuống một thuyền đánh cá rộng chưa đầy 2 m, dài khoảng 5 m đã cũ nát ra khơi. Do tài công thiếu kinh nghiệm nên sau 2 ngày vật lộn với sóng dữ, thuyền đến một vùng biển không xác định được vị trí. Mì tôm, nước ngọt cạn dần, 10 người lả đi vì đói rét. “Sau 5 ngày trôi dạt trên biển, một chiếc tàu của Úc chạy qua, thấy chúng tôi cầu cứu đã dừng lại và đưa tất cả vào bờ” - anh Bá kể
Nạn nhân trắng tay, đầu nậu phè phỡn
Anh Nguyễn Văn Bá cho biết: “Trước khi sang Úc, chúng tôi được ông Thuận, cha vợ ông Tính, thu tiền rồi hứa nếu bị bắt vào trại tị nạn thì sẽ được chính phủ nước này hỗ trợ mỗi tháng 1.000 USD; nếu họ cho ra ngoài làm việc thì mỗi tháng sẽ có thu nhập 2.000-5.000 USD”.
Nghe mức thu nhập cao, anh Bá đã đi vay mượn anh em, bạn bè được hơn 6.000 USD nộp cho ông Thuận. “Mới sang, bị cảnh sát bắt đưa vào trại tị nạn giam gần 6 tháng rồi trục xuất về nước. Tưởng sang Úc sẽ kiếm được ít tiền lo cho gia đình, ai ngờ giờ lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất như thế này” - anh Bá xót xa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng tại xã Nghi Vạn, đã có rất nhiều người rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn vì đã lỡ vay mượn tiền để được vượt biên sang Úc và bị trục xuất về nước. Ngoài trường hợp 2 anh Nguyễn Văn Cảnh và Nguyễn Văn Bá, nhiều người cũng trắng tay khi trở về, như Phạm Văn Khang, Trần Phú Huyền, Bùi Văn Yên... “Về quê, mấy lần tôi có gặp hỏi họ để đòi lại một ít tiền nhưng không được. Mình đưa tiền cho họ không có giấy tờ gì cả, giờ họ không trả cũng phải chịu. Nhà làm ruộng, giờ không biết đến bao giờ mới trả hết nợ” - anh Cảnh rầu rĩ.
Trong khi đó, tại phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, nhiều người cũng rơi vào cảnh nợ nần vì đã nghe theo lời dụ dỗ của một số đối tượng để vượt biên sang Úc. Anh Đậu Xuân Quảng (ngụ phường Nghi Tân) cho biết anh vượt biên theo cách trên từ năm 2010. Sau khi bị trục xuất về nước, hiện anh còn nợ 70 triệu đồng trước đó đã vay để đóng cho các đầu nậu.
Tất cả đều bị trục xuất Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, khuyến cáo: “Nhiều người dân bỏ ra một khoản tiền lớn để vượt biên sang Úc bằng thuyền đánh cá. Khi sang Úc, tất cả đều bị bắt và bị trục xuất về nước. Trở về quê, nhiều người rơi vào cảnh nợ nần, nghèo túng. Để tránh trường hợp tiền mất, tật mang, người dân không nên nghe theo lời rủ rê của các đối tượng xấu để vượt biên trái phép sang Úc”. |
Bình luận (0)