Ngày 14-11, chị Hồ Thanh Hương (vợ công nhân vệ sinh Ngô Quang Thọ, người bị ô tô do Đinh Quang Duy lái tông dẫn đến tử vong) đã đến Tòa soạn Báo Người Lao Động trình bày những bức xúc của mình sau khi phiên tòa xử vụ án tuyên bị cáo Duy 18 tháng tù cho hưởng án treo.
Một thẩm phán TAND TP HCM cho biết theo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, nếu gây tai nạn chết người thì không nên cho hưởng án treo. Theo thông lệ thì từ trước tới giờ, tòa vẫn xử như vậy. Tuy nhiên, nếu là lỗi hỗn hợp (tức lỗi của người gây tai nạn và người bị nạn) thì cần cân nhắc thấu đáo để có hình phạt tương xứng. Nếu có cơ sở chứng minh người gây tai nạn rồi bỏ chạy, chỉ cần một tình tiết này cũng có thể xử ở khoản 2 điều 202 Bộ Luật Hình sự tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với mức án 7-15 năm tù.
Trong trường hợp này, nhiều nhân chứng cho biết sau khi tông anh Thọ, Đinh Quang Duy đã lái xe bỏ chạy vài trăm mét, lúc bị người đi đường đuổi theo chặn đầu xe thì mới dừng lại. “Cứ cho là anh ta lúng túng, sợ bị đánh thì vẫn là tông chết người rồi bỏ mặc hậu quả xảy ra nên có thể xem xét để xử ở khoảng 2 điều 202. Việc người gây tai nạn đến bệnh viện thăm hỏi, động viên gia đình chỉ là tình tiết để chứng minh sự ăn năn của anh ta để tòa xem xét khi định tội” - thẩm phán này phân tích.
Trong trường hợp gia đình bị hại không kháng cáo, VKSND cấp trên không kháng nghị, coi như bản án có hiệu lực thì TAND và VKSND TP HCM, thông qua báo chí và những nguồn khác, vẫn có thể rút hồ sơ xem xét để xử giám đốc thẩm vụ án nếu thấy có dấu hiệu sai phạm.
Theo vị thẩm phán nêu trên, trong vụ án này, một số điểm cần làm rõ là hiện trường tai nạn, vị trí đụng anh Thọ để có thể quy kết nạn nhân có lỗi hay không. Nhìn ảnh chụp hiện trường thì nạn nhân nằm sát con lươn, trong lằn ranh giới hạn ô tô không được lấn qua. Ngoài ra, việc công nhân vệ sinh làm việc phải ra đường là điều hiển nhiên, nói Thọ có lỗi thì càng vô lý vì anh đã mặc áo phản quang, chỉ khi nào ô tô không có đèn mới không thấy.
Về kỹ năng xét hỏi tại phiên tòa, vị thẩm phán nêu trên nhấn mạnh phải trên tinh thần cải cách tư pháp là tôn trọng những lời khai của bị cáo trước vành móng ngựa, không được hướng bị cáo trả lời theo ý mình, tránh tình trạng mớm cung và dụng cung để việc xét hỏi mang tính làm rõ vấn đề. Theo báo chí phản ánh - thẩm phán phiên tòa hướng cho bị cáo trả lời đúng hay không đúng - là không phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp. Việc xét hỏi phải tôn trọng sự thật khách quan, mọi sự mớm cung đều không thể chấp nhận được.
Vị thẩm phán nêu trên cho rằng việc đại diện hợp pháp của nạn nhân nhận tiền bồi thường và viết đơn bãi nại cho bị cáo chỉ có giá trị trong việc bồi thường dân sự và cân nhắc khi lượng hình, không thể lấy đó để định khung hình phạt. Trong trường hợp này, nếu gia đình nạn nhân thấy cáo trạng không đúng thực tế và tòa xử không thỏa đáng thì làm đơn kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), cho rằng nếu thực tế xét xử mà chủ tọa phiên tòa có những câu hỏi như báo chí nêu (nguyên văn) thì rất dễ khiến người dự khán hiểu lệch lạc. Theo nguyên tắc tố tụng thì khi xét xử, HĐXX làm rõ sự thật khách quan của vụ án thông qua việc thẩm vấn, bên cạnh đó còn xem xét đến các tình tiết buộc tội và cả gỡ tội của bị cáo.
Gia đình nạn nhân khó xử Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Quang Trường, anh nạn nhân Ngô Quang Thọ, cho biết: “Gia đình tôi rất đau khổ và dằn vặt. Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu hết vấn đề của vụ án này. Nếu kháng cáo thì tội cho gia đình Đinh Quang Duy vì anh ta cũng có vợ và con còn quá nhỏ. Nếu không kháng cáo và chấp nhận mức án mà TAND quận 1 đã tuyên thì chúng tôi thấy có lỗi với Thọ vì cáo trạng quá sơ sài và bản án quá nhẹ so với hành vi của người gây tai nạn”. Trong khi đó, chị Hồ Thanh Hương ngậm ngùi: “Con chúng tôi quá thơ dại, con của bị cáo cũng còn nhỏ. Gia đình tôi đang đứng ở lằn ranh rất khó xử”. |
Bình luận (0)