Có lẽ phí sử dụng đường bộ là một trong những loại phí mà người dân phản ứng mạnh mẽ nhất, không đồng tình nhiều nhất. Ngay từ khi mới được đưa ra, đề xuất thu phí này đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều từ người dân, cán bộ, thậm chí là lãnh đạo các địa phương. Tiếc thay, nhiều cơ quan chức năng vẫn quyết thực hiện, để rồi thực tế đã chứng minh sự thất bại của một chính sách không được người dân đồng thuận.
Bạn đọc Nguyễn Văn Nguyên nhận xét: “Trong khi cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, phải đóng hàng loạt loại thuế, phí thì một số cơ quan chức năng vẫn phớt lờ, tạo thêm gánh nặng cho họ. Điều này cho thấy tầm nhìn hạn chế và sự lạc lõng của những chính sách bất cập. Những bài học tương tự thế này sao cứ mãi lặp đi lặp lại?”. Nhiều địa phương đã sốt sắng thu loại phí này nhưng kết quả chẳng bao nhiêu. Thậm chí, người dân nhiều nơi nói thẳng phí này là tận thu và họ không đóng.
Trước ý kiến của ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ, cho rằng đa số địa phương muốn thu phí sử dụng đường bộ, nhiều bạn đọc nhìn nhận: “Một số tỉnh, thành muốn thu vì giúp tạo quỹ cho địa phương. Thử lấy ý kiến của người dân ở những địa phương đó thì biết ngay kết quả như thế nào. Cán bộ đi ô tô của nhà nước dễ gì hiểu được những loại phí như thế gây khó khăn cho người dân ra sao. Đừng biện minh nữa, người dân không đồng thuận thì bỏ đi cho họ nhờ”.
Chiếc xe máy là phương tiện làm ăn, đi lại chính của phần lớn gia đình Việt Nam. Có lẽ cơ quan soạn thảo, đề xuất thu phí sử dụng đường bộ nghĩ rằng với lượng xe máy khổng lồ thì sẽ thu được một khoản tiền rất lớn. “Sự bất hợp lý, bất hợp tình của phí này đã không thuyết phục được ai. Nó đã thất bại ngay từ khi đưa ra ý tưởng, đề xuất nhưng nhiều cơ quan liên quan vẫn “nhắm mắt làm ngơ”. Người dân luôn tôn trọng những chính sách điều hành xã hội hợp lý nhưng họ sẽ không bao giờ dễ dãi với những đề xuất bất cập” - bạn đọc Lê Hà bày tỏ. n
Bình luận (0)