Ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TPHCM, khẳng định: Với chương trình làm việc ngày thứ bảy, chúng tôi chắc chắn là hiệu quả sẽ rất cao. Trung bình một tháng, mỗi thẩm phán sẽ thụ lý được thêm 3-4 hồ sơ. Uớc tính hiệu quả của chương trình này (từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 9-2004) có thể kéo giảm hơn 1.000 hồ sơ tồn đọng.
Làm việc giữa Ban Pháp chế HĐND TPHCM với lãnh đạo TAND TPHCM mỗi năm, ngoài những vấn đề nổi cộm như: án bị hủy, sửa nhiều... thì lãnh đạo tòa án luôn phải trình bày trước câu hỏi: “Vì sao án tồn đọng quá nhiều?” của các thành viên Ban Pháp chế. Trong cuộc gặp mặt với các phóng viên ngày 1-4 vừa qua, ông Bùi Hoàng Danh cho biết: “Số lượng án tồn đọng trong năm đã lên đến 9.165 hồ sơ, trong đó có hơn 700 vụ án tồn đọng quá hạn luật định (điều này theo ông Danh là vi phạm pháp luật), chủ yếu là án dân sự”.
Theo ông Bùi Hoàng Danh, nguyên nhân là do “chờ kết quả giải quyết của các cơ quan khác, chờ ủy thác điều tra, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhiều vụ án rất phức tạp...”. Bên cạnh đó, một nguyên nhân góp phần không nhỏ vào việc gia tăng số lượng án tồn đọng là biên chế của ngành tòa án quá ít so với số lượng án phải thụ lý. Trung bình một thẩm phán phải “ôm” khoảng 16 vụ/tháng, trong khi theo quy định thì chỉ 12 vụ/tháng. Ông Bùi Hoàng Danh nói điều này đồng nghĩa với thời gian nghiên cứu hồ sơ của thẩm phán sẽ ít đi và chất lượng xét xử sẽ không được bảo đảm.
Có mặt tại tòa án vào ngày thứ bảy làm việc đầu tiên, theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù đây là ngày làm việc nội bộ (đọc và thụ lý hồ sơ) chứ không tiếp đương sự, không xét xử (trừ xét xử lưu động), nhưng không khí làm việc của cán bộ tòa án TPHCM rất khẩn trương.
Bình luận (0)