Nhiều lễ hội mùa xuân ở miền Bắc như lễ hội Chùa Hương, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Gióng, lễ kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và hội đền Hai Bà Trưng… đã tưng bừng khai hội.
Ghi nhận nhanh tại các di tích tại Hà Nội năm nay ít xảy ra tình trạng chặt chém, thương mại hóa. Tại chùa Hà, một trong những ngôi chùa đẹp và thu hút rất nhiều phật tử, du khách ghé thăm, UBND phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, tổ chức trông xe miễn phí cho du khách.
Phủ Tây Hồ, Hà Nội, công an phường Quảng An, quận Tây Hồ áp dụng hình thức không sử dụng tiền mặt tại các bãi trông giữ xe ôtô và xe máy. Việc thu phí tự động sẽ tránh giảm thiểu phát sinh về giá tại các bãi trông giữ xe, đồng thời các cửa hàng kinh doanh tại tuyến phố phía ngoài Phủ Tây Hồ đều niêm yết giá công khai, triển khai lập tài khoản thanh toán, mã QR thanh toán kèm theo, thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có nơi tăng giá vé trông xe dịp tết. Tại đình Ứng Thiên, phố Láng Hạ, Hà Nội, giá trông giữ xe máy đã tăng gấp đôi, 10.000 đồng/xe.
Đánh giá về hoạt động văn hóa, lễ hội, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL, cho hay đối với hoạt động quản lý lễ hội đầu Xuân năm 2024, Bộ và Cục đã ban hành nhiều văn bản gửi về các địa phương.
Qua tổng hợp, công tác quản lý lễ hội năm nay đổi mới hơn so với mọi năm. Các tỉnh, thành phố đã chủ động đưa ra các phương án trọng tâm, trọng điểm, có dự báo đối với hoạt động lễ hội tại địa phương. Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch tổng thể cho các hoạt động lễ hội chung, từ đó chỉ đạo trực tiếp các cấp chính quyền xây dựng các kịch bản, kế hoạch, trong đó đưa ra nhiều phương án khả thi cho hoạt động lễ hội.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhận định trong mùa lễ hội năm nay, nhiều bất cập trước đây trong các mùa lễ hội đến nay đã được chấn chỉnh, các địa phương có sự vào cuộc tích cực.
Bình luận (0)