Sáng 23-3, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng mua vào 77,7 triệu đồng/lượng, bán ra 80 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá bán ra so với cuối ngày hôm qua, trong khi giá mua vào hạ thêm tới 300.000 đồng/lượng. Diễn biến này đẩy chênh lệch giá mua vào - bán ra giãn rộng lên tới 2,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng cũng có sự cách biệt giữa các doanh nghiệp, như Công ty PNJ bán ra vàng SJC còn 79,7 triệu đồng/lượng trong khi Tập đoàn DOJI bán ra vàng miếng là 79,8 triệu đồng/lượng.
Không chỉ giá vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại cũng giãn rộng biên độ giá mua – bán lên khoảng 1,3 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng nhẫn được giao dịch mua vào 67,9 triệu đồng/lượng, bán ra 69, triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý chốt tuần giao dịch ở mức 2.165 USD/ounce, giảm mạnh khoảng 15 USD/ounce so với phiên trước.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 65,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn khoảng 3,8 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 14,8 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch này đã thu hẹp nhiều so với mức khoảng 16-17 triệu đồng/lượng vài tuần trước, đặc biệt thu hẹp so với mức đỉnh kỷ lục khoảng 18-19 triệu đồng/lượng giữa vàng SJC với thế giới hồi cuối năm ngoái.
Theo các chuyên gia, giá vàng SJC hạ nhiệt nhanh và thu hẹp khoảng cách với thế giới trong bối cảnh thị trường kỳ vọng động thái mới về các đề xuất quản lý vàng miếng theo hướng bỏ độc quyền vàng SJC, cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện được sản xuất vàng SJC và vàng nhẫn.
Nếu vậy, nguồn cung trên thị trường sẽ tăng lên, từ đó khiến giá vàng trong nước giảm.
Bình luận (0)