Gửi em, cô giáo của anh!
Thế là con tàu Bệnh viện HQ-561 rẽ sóng qua 48 giờ đã đưa anh đến với Trường Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc mà anh mong được đặt chân đến. Giờ này là 4 giờ, những đại biểu trong đoàn có lẽ đã chìm trong giấc ngủ sau một ngày làm việc, thăm hỏi lính đảo và người dân.
Anh ra đảo cũng được một tuần rồi nhưng cứ nghĩ như vừa khởi hành vì thời gian trôi nhanh quá. Hình ảnh về người lính, những đứa trẻ, ngư dân và cả phong cảnh biển đảo Trường Sa không thể làm anh quên. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống không thể đủ đầy như đất liền, song trong ánh mắt của những người lính đảo, cư dân vẫn ánh lên sức sống mãnh liệt.
Ngày đầu tiên, đoàn chúng anh lên đảo Song Tử Tây dự lễ chào cờ. Đây là hòn đảo được hải quân ta giải phóng đầu tiên trong quần đảo Trường Sa những ngày cuối tháng 4 lịch sử năm 1975 đó em.
Các anh trên đảo kể, đảo ngày trước khó khăn lắm nhưng giờ đã được xây mới khang trang hơn nhiều, có điện năng lượng mặt trời để sinh hoạt, xem tivi, sóng điện thoại, cáp truyền hình. Các con đường trên đảo được đổ bê-tông sạch đẹp, hai bên rợp bóng cây bàng vuông, phong ba... Anh bất ngờ lắm vì chỉ 5 tháng sau cơn bão Rai cấp 14 quét qua đảo cuối năm ngoái, cuộc sống ở vùng đất ngoài khơi xa này đã hồi sinh nhanh như vậy. Tình nghĩa quân và dân trên đảo thêm thắt chặt khi cùng đồng lòng chống chọi với bão dữ. Những hàng dương, phi lao chắn gió đã vươn lên tươi tốt, chỉ 3 đến 4 năm nữa thôi, đảo sẽ xanh bóng mát trở lại, khi đó em có dịp ghé thăm thì đẹp lắm.
Đứng dưới lá Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng tung bay trên biển trời làm anh nghèn nghẹn vì để có được hình ảnh ấy là xương máu của những người lính trẻ nằm lại với biển trời quê hương. Đoàn chúng anh ai cũng khóc khi làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa, đặc biệt là 64 liệt sĩ ở đảo Gạc Ma năm 1988. Anh nhớ hình ảnh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương trước khi nằm lại với biển, tay vẫn giữ chặt cán cờ, miệng hô vang cùng đồng đội: "Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo".
Chuyến đi này có cả chị Trần Thị Mai Thủy, con gái của bác Phương. Giờ chị là một quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong lực lượng hải quân để theo nghiệp của bố, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhìn vòng hoa bất tử hình lá Quốc kỳ trôi giữa biển rồi cả ánh mắt của chị ấy nhìn xa xăm mà lòng anh bồi hồi nhớ ơn những người lính trẻ năm nào. Khi người bố trẻ hy sinh mà chưa kịp nhìn thấy cô con gái sắp chào đời ở hậu phương.
Em à! Thấy lớp học ê a, anh lại nhớ cô giáo trên bục giảng ở đất liền. Anh kể em nghe những đứa trẻ có màu da rám nắng của biển cả để em kể lại cho học trò của mình. Chúng dễ thương và ngoan lắm. Khi khách đến còn đọc thơ về Trường Sa cho đoàn chúng anh nghe nữa đấy!
Chúng nô đùa bên những tán bàng vuông, phong ba, trên những chiếc xe đạp mới toanh mà các cô chú vừa tặng. Nụ cười con trẻ hiện lên sức sống mãnh liệt mà anh gọi đó là mầm xanh của đất nước. Dịp này đúng ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15-5), các anh chị Hội đồng Đội Trung ương cũng tặng nhiều khăn quàng đỏ cho các em. Ở đảo không có trường cấp hai nên khi chúng vào đất liền học sẽ kể cho bạn bè nghe về người lính đảo, về Trường Sa thân yêu như một bài học lịch sử sinh động mà không dễ gì sách vở ghi chép được.
Trẻ em ở đảo Song Tử Tây vui đùa trên con đường đổ bê-tông sạch đẹp Ảnh: Ngô Phước Tuấn
Chị Trần Thị Mai Thủy (chắp tay) tưởng niệm cha và các liệt sĩ trên vùng biển Gạc Ma trong dịp ra thăm huyện đảo Trường Sa vào tháng 5-2022.Ảnh: Ngô Phước Tuấn
Chắc em bất ngờ lắm, trên các đảo có nhiều ngôi chùa nhìn ra biển với bãi cát trắng dài mênh mang. Chùa Song Tử Tây được tôn tạo phục dựng lại từ ngôi chùa cổ có từ trước vào năm 2007 với những cây cột gỗ to như đình làng mình. Tượng Phật Bà Quan âm nhìn ra biển che chở cho những người lính đảo, ngư dân ta đang đánh bắt ở vùng biển biên thùy. Còn chùa Sinh Tồn thì nằm nép mình trong xóm nhỏ giữa trung tâm xã đảo với hàng cây xanh rợp, nơi có bảng ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước ở huyện đảo Trường Sa. Đêm xuống, anh ngồi bên chùa Trường Sa Lớn thật yên bình cùng tiếng sóng vỗ. .
Mỗi lần chia tay đảo mà lòng anh buồn rười rượi vì thời gian trôi qua nhanh quá, anh còn không kịp hỏi hết tên những anh lính trẻ. Tuy mới mười tám đôi mươi mà anh nào cũng giỏi, ngoài đi trực gác ở các chốt tiền tiêu, mấy anh trồng cả bầu bí rau xanh, đu đủ... treo lủng lặng trên giàn bên giếng nước. Ngoài những đảo nổi, Trường Sa còn có rất nhiều đảo chìm, là những rạn san hô nổi lên mặt nước khi thủy triều xuống. Trên các đảo, nước ngọt hiếm lắm mà nhìn vườn rau xanh mướt, khuôn viên hoa rực rỡ đầy sức sống.
Thấy mấy cô văn công, chú bộ đội nào cũng vui vì được gặp đồng hương của mình nơi đảo xa. Họ cùng hát cho nhau nghe những bài ca quê hương, đất nước. Nắm chặt tay như lời hứa hẹn vững tin, đoàn kết giữa hậu phương nơi đất liền và các anh lính biên cương hải đảo. Nụ cười trên môi còn đó, khi đoàn chúng anh về, các chiến sĩ lại cầm súng, mắt luôn nhìn ra hướng biển. Các anh thề dưới ngọn cờ "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
* * *
Cuộc sống ở Trường Sa đang thay đổi từng ngày, công trình dân sự được mọc lên nhiều hơn như Khu tưởng niệm Bác Hồ, thư viện sách, công viên tượng đài Trần Hưng Đạo, bệnh xá cho quân dân và ngư dân... Nhìn sản phẩm cá ngừ đại dương, ốc biển, tôm, mực... đầy ắp trên khoang tàu ngư dân miền Trung, anh thầm cám ơn biển cả, cám ơn những người lính, cám ơn ngư dân và cám ơn cả hậu phương đất liền đã chung tay để Quốc kỳ mãi tung bay trên những thuyền cá Trường Sa, như khẳng định chủ quyền biển, đảo ở mỗi vùng biển anh đi qua. Rồi mấy năm nữa thôi, với việc quy hoạch được duyệt, huyện đảo Trường Sa sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển, văn hóa, xã hội của cả nước. Và tour du lịch thăm Trường Sa thân yêu không còn xa với người dân đất liền nữa đâu em.
Em à, mặt trời lên rồi đấy, bình minh ở vùng đất cực Đông của đất nước. Đó là bình yên cho lớp học của em, mùa gặt của mẹ và ống khói nhà máy của cha. Các anh lính tàu quân y đỏ lửa chuẩn bị bữa ăn sáng cho đoàn anh rồi.
Anh sẽ kể em nghe những câu chuyện về Trường Sa ở những lá thư sau và chắc chắn kèm những bức hình đẹp nhất về Trường Sa để em lên lớp trong tiết dạy lịch sử, địa lý của mình, em nhé!
Khơi dậy lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
Cuộc thi được phát động từ ngày 28-8-2021 đến ngày 15-5-2022, với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, biển đảo của Tổ quốc. Đến nay, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 200 tác phẩm dự thi của bạn đọc khắp mọi miền đất nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó còn có nhiều tác phẩm của chính các chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, những người lính thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo. Trong đó, Ban Tổ chức đã chọn đăng 33 tác phẩm trên các ấn phẩm Báo Người Lao Động. Hầu hết các tác phẩm có chất lượng cao, bám sát chủ đề, phản ánh sinh động công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
Ban Tổ chức sẽ tiếp tục chọn những tác phẩm tiêu biểu để tiếp tục đăng trong các số báo tới.
Tòa Soạn
Bình luận (0)