xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bước trưởng thành vượt bậc của quân đội ta (*)

LTS: Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới phát triển đất nước (1954 - 2004) do Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức tại TP Điện Biên ngày 7 và 8-3-2004. Báo Người Lao Động lược trích bài viết của đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến hội thảo.

Sau 5 năm tự lực chiến đấu trong vòng vây, từ năm 1950 trở đi, chủ lực ta liên tiếp mở nhiều chiến dịch lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở biên giới Việt - Trung, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào. Chiến tranh du kích phát triển mạnh, làm “ruỗng nát” vùng tạm chiếm của đối phương.

Trước tình hình nguy khốn ở Đông Dương, Chính phủ Pháp cử tướng bốn sao Hăngri Nava sang làm Tổng chỉ huy thứ 7 của đội quân viễn chinh xâm lược. Theo kế hoạch  Nava: mục tiêu trong vòng 18 tháng, tập trung lực lượng cơ động chiến lược để tiến công tiêu diệt phần lớn chủ lực ta, buộc chính phủ ta phải chấp nhận đàm phán theo những điều kiện do Pháp đề ra, nhằm tìm “lối thoát danh dự” cho cuộc chiến tranh xâm lược.

Kế hoạch Nava bị xáo trộn và bắt đầu phá sản

Để phá tan kế hoạch Nava, buộc chúng phải phân tán lực lượng, bị động đối phó, bộ thống soái tối cao của ta chủ trương dùng một bộ phận quân chủ lực, phối hợp với các lực lượng địa phương, chủ động mở ra các cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung Lào và Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, lấy Tây Bắc làm hướng chính.

Tháng 11-1953, khi phát hiện chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để yểm trợ cho các đơn vị ở Lai Châu rút chạy, đồng thời bảo vệ Thượng Lào. Sau khi biết chắc phần lớn chủ lực ta đã tiến lên Tây Bắc, Nava chủ trương tăng cường lực lượng, gấp rút xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương nhằm thu hút và đánh bại chủ lực ta.

Đầu tháng 12-1953, quân ta mở cuộc tiến công tiêu diệt phần lớn quân địch ở Lai Châu rút chạy, bao vây Điện Biên Phủ. Hạ tuần tháng 12, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân giải phóng Pathét Lào mở cuộc tiến công vào Trung Lào, giải phóng Thà Khẹt và phát triển xuống Hạ Lào, giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven. Tháng 1-1954, tuy có tin địch sẽ tiến công vào vùng tự do ven biển Liên khu 5, nhưng chủ lực ta vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, kiên quyết mở cuộc tiến công lên Bắc Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum và một vùng rộng lớn, nối liền với khu giải phóng Hạ Lào. Hạ tuần tháng 1-1954, trong khi tạm đình cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, một đơn vị chủ lực ta đã bất ngờ mở cuộc tiến công sang Thượng Lào. Đòn tiến công này đã giải phóng lưu vực sông Nậm Hu, uy hiếp thủ đô Luông Phabang.

Bằng 5 đòn tiến công chiến lược nói trên, ta đã điều động được lực lượng địch, thu hút chúng đến những chiến trường có lợi cho ta, buộc khối cơ động chiến lược của Nava phải chia năm xẻ bảy để tiêu diệt chúng.

Thắng lợi to lớn của các chiến trường phối hợp trong giai đoạn đầu của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 đã làm cho kế hoạch Nava bị đảo lộn và bắt đầu phá sản. Ở chiến trường chính, Điện Biên Phủ, lúc đầu chưa có trong kế hoạch Nava và cũng chưa có trong kế hoạch tác chiến của ta, đã trở thành nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược, cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch.

Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi

Thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, bộ phận tham mưu của ta và của đoàn cố vấn đi trước để chuẩn bị chiến trường, đã đề nghị phương án tranh thủ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” khi địch còn đứng chân chưa vững, dốc toàn lực đánh trong 3 đêm 2 ngày tiêu diệt toàn bộ quân địch giành thắng lợi.

Tuy không tin vào thắng lợi của phương án “đánh nhanh thắng nhanh”, nhưng tôi tự thấy mình vừa mới đến chiến trường, chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ ý kiến của đa số, nên đã đồng ý triệu tập Hội nghị Cán bộ để phổ biến kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Đồng thời tôi chỉ thị cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ tình hình địch từng ngày, từng giờ, kịp thời báo cáo; nếu tình hình thay đổi, ta có thể thay đổi kế hoạch...

Suốt 11 ngày đêm theo dõi tình hình, tôi thấy địch ngày càng tăng cường lực lượng, ra sức củng cố trận địa, và những khó khăn của ta chưa có cách khắc phục. Nhiều đêm trăn trở, cân nhắc, đêm cuối cùng thức trắng, tôi đi đến kết luận: Đánh theo cách này nhất định thất bại. Sáng ngày 26-1, tôi đã trao đổi ý kiến thống nhất với đồng chí trưởng đoàn cố vấn, tiếp đó đưa ra Đảng ủy mặt trận bàn thay đổi cách đánh. Cuộc thảo luận trong Đảng ủy đã diễn ra gay go sôi nổi. Tất cả đều cho rằng bộ đội quyết tâm cao, mọi mặt đã chuẩn bị, phải đánh nhanh, nếu không sẽ khó khăn, mất thời cơ. Nhưng khi đặt ra câu hỏi: Vậy đánh nhanh có bảo đảm chắc thắng 100% như Bác Hồ căn dặn không, thì không ai dám khẳng định; cuối cùng Đảng ủy đã đi đến nhất trí phải chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” - một phương án đã từng dự kiến trước đây. Mặc dầu mấy vạn quân ta đã dàn trận, đạn đã lên nòng sẵn sàng nổ súng vào đêm 26-1, nhưng chúng ta đã kiên quyết dừng lại, cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Quyết định thay đổi phương châm đã được triển khai, sau đó báo cáo về Trung ương bằng thư hỏa tốc, được Bác Hồ và Bộ Chính trị nhất trí và cho biết sẽ động viên hậu phương đem toàn lực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng.

Thay đổi cách đánh trong tình thế toàn mặt trận từ trên xuống dưới quyết tâm chiến đấu theo phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, các đơn vị đã vào vị trí chiến đấu, chờ giờ nổ súng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi.

Tạo sức mạnh áp đảo

Chúng ta chuyển sang cách “đánh chắc, tiến chắc” tức là bao vây đánh dần từng bước, tiêu diệt địch từng bộ phận, từ ngoại vi vào trung tâm. Đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo đánh thắng địch.

Để bảo đảm bao vây, tiêu diệt địch từng bước, theo kinh nghiệm chiến đấu của giải phóng quân Trung Quốc mà đoàn cố vấn giới thiệu, chúng ta đã xây dựng một hệ thống đường kéo pháo bằng cơ giới và các trận địa pháo có hầm đào sâu vào vách núi; xây dựng một hệ thống trận địa bao vây và tiến công quy mô chiến dịch, với hàng trăm kilômét hào giao thông để cơ động tiếp cận địch, với hàng vạn công sự chiến đấu, công sự ẩn nấp cho người và vũ khí, có hầm nghỉ ngơi, sinh hoạt, cấp cứu thương binh trong lòng đất, bảo đảm cho bộ đội chiến đấu liên tục ngày đêm trên cánh đồng Mường Thanh, dưới sự đánh phá ác liệt của không quân và pháo binh địch.

Trải qua một quá trình chiến đấu dài ngày, chúng ta đã lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm của địch, siết chặt vòng vây, vận dụng chiến thuật đánh lấn, bắn tỉa, chia cắt sân bay, triệt đường tiếp tế... làm cho tập đoàn cứ điểm ngày càng bị bóp nghẹt, không phận ngày càng bị thu hẹp, khó khăn ngày càng chồng chất, tinh thần chiến đấu của địch ngày càng sa sút. Cuối cùng, ta mở đợt tiến công quyết định đánh vào sở chỉ huy đầu não, bắt sống tướng Đờ Cát và Bộ Chỉ huy, buộc toàn bộ quân địch đầu hàng, giành toàn thắng cho chiến dịch.

Đại tướng  Võ Nguyên Giáp

(*) Tựa lớn và nhỏ trong bài do Báo NLĐ đặt

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo