xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TPHCM: Chọn đường Lê Thánh Tôn làm mốc cho khung giá đất mới

Nam Long

Sáng 25-11, Thường trực UBND TP đã nghe Ban Chỉ đạo Xây dựng bảng giá đất (XDBGĐ) TP báo cáo việc điều chỉnh khung giá đất mới trên địa bàn TP.

Sau nhiều lần chỉnh sửa, có thể nói, đến nay bảng giá đất đã được hình thành trên cơ sở khi áp dụng vào ngày 1-1-2005 sẽ bảo đảm tính ổn định, bền vững phát triển kinh tế, không gây xáo trộn lớn đến xã hội.

2 phương án xây dựng khung giá đất mới

Nếu như tại tờ trình vào đầu tháng 11-2004, Ban Chỉ đạo XDBGĐ TP đưa ra 3 phương án khi xây dựng khung giá đất mới thì hiện nay chỉ còn 2 phương án để phù hợp với Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16-11-2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất. Cụ thể, phương án 1: Mức giá được áp dụng tối đa sẽ là 67,5 triệu đồng/m2 (tại 3 đường được xem có giá cao nhất TP: Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi - quận 1). Phương án 2: Tính bình quân bằng khoảng 30% giá thực tế chuyển nhượng đất ở (nhưng không thấp hơn mức giá đất ở để tính bồi thường cùng vị trí, cùng thời điểm). Mức giá cao nhất sẽ là 36 triệu đồng/m2. Theo bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP, khi áp dụng phương án 1, khung giá quy định của Chính phủ so với bảng giá đất theo Quyết định (QĐ) 05 của UBND TP ban hành năm 1995 sẽ tăng từ 4,3 lần (quận 11) đến hơn 20 lần (quận 12), mức trung bình hơn 10 lần. Việc tăng giá đất theo phương án này sẽ tạo thuận lợi trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng sẽ tác động lớn đến môi trường đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh... Còn nếu theo phương án 2 thì mức giá đất sẽ tăng bình quân từ 2-10 lần, bình quân khoảng 4,8 lần (so với QĐ 05). Ưu điểm của phương án này, sẽ tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực sản xuất cần diện tích đất lớn, nhưng sẽ gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vì giá bồi thường thấp, nhiều trường hợp còn thấp hơn giá bồi thường đang áp dụng.

Sau khi phân tích, nhiều ý kiến của các sở – ngành liên quan đều thống nhất chọn phương án 1. Riêng Ban Chỉ đạo XDBGĐ còn đề nghị thời điểm này áp dụng theo mức giá là 67,5 triệu đồng, trong trường hợp giá đất có biến động sẽ được tăng lên mức tối đa 81 triệu đồng/m2. Đồng thời đề nghị lấy giá bồi thường và giá đất trúng đấu giá đường Lê Thánh Tôn (quận 1) để làm cơ sở tính toán cho giá đất của các vị trí đường còn lại trên địa bàn TP.

Giá đất tăng: Người dân không lo bị thiệt!

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là việc tăng giá đất sẽ tác động đến các nhóm đối tượng có liên quan nghĩa vụ tài chính khi sử dụng đất. Bà Nguyệt cho biết người mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (hiện tại TP có khoảng 45.000 trường hợp) sẽ được giải quyết bằng một trong hai giải pháp. Một là, bán theo khung giá đất hiện hành theo QĐ 05 để khuyến khích các đối tượng mua trong thời hạn 1 năm. Sau 1 năm sẽ bán theo khung giá đất mới. Hai là, giảm tỉ lệ phần trăm giá mua (thấp hơn 40% giá đất) theo bảng giá đất mới trong năm 2005 để phù hợp với thu nhập của đối tượng mua, hạn chế việc mua đi bán lại.

Trong bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban Chỉ đạo XDBGĐ đề nghị mức giá đất mới để tính đền bù phải bảo đảm số tiền bồi thường cho người bị thu hồi đất không có giấy tờ hợp lệ sau khi trừ nghĩa vụ tài chính bằng hoặc cao hơn số tiền bồi thường đã nhận được theo giá cũ. Ngoài ra, cần có mức hỗ trợ thêm trên khung giá đất theo quy định của Chính phủ đối với đất nông nghiệp bị thu hồi để tương ứng với mức bồi thường đang áp dụng; mức giá đất mới bảo đảm không thấp hơn giá bồi thường đang áp dụng; các khoản nghĩa vụ tài chính sẽ được điều chỉnh tỉ lệ thích hợp cho từng mục đích sử dụng đất (theo hướng giảm so với hiện nay)...

Hạn chế gánh nặng cho doanh nghiệp

Giá đất tăng sẽ là một gánh nặng với các DN thuê đất sản xuất. Do đó, nhằm tránh áp lực xấu đối với việc phát triển kinh tế, Ban Chỉ đạo XDBGĐ đề nghị cần thực hiện một số giải pháp ưu đãi như: giá cho thuê đất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn giữ mức thuế cũ. Đối với DN sản xuất được giảm từ 30%-50% giá thuê đất trong 2 năm 2005 và 2006 để DN tổ chức ổn định lại sản xuất. Đối với DN kinh doanh thương mại dịch vụ, thì áp dụng đúng mức thuê đất hiện hành (theo giá đất mới) để hạn chế tình trạng cho thuê mướn lại mặt bằng và thương hiệu trong kinh doanh...

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải đã cơ bản thống nhất với ý kiến đề xuất của Ban Chỉ đạo XDBGĐ về bảng giá khung giá đất mới. Tuy nhiên, cần lưu ý xây dựng bảng giá đất mới sát với thực tế hơn nữa, đồng thời phù hợp với những yêu cầu đặt ra, đáp ứng tình hình kinh tế – xã hội TP. Thường trực UBND TP sẽ trình HĐND TP thông qua khung giá đất này tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa VII (khai mạc ngày 7-12) sắp tới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo