Về "giá 0 đồng" của điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng. Đây là ý kiến của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tại hội thảo tham vấn kỹ thuật về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu do Bộ Công Thuơng tổ chức chiều 4-5.
Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu. Trong đó, nội dung đáng chú ý là đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới sẽ không được bán hoặc bán với giá 0 đồng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn trong Nghị định cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này. Bộ Công Thương cũng cần tính toán, đánh giá đầy đủ lợi ích, chi phí về kỹ thuật, tác động về pháp lý, kinh tế - xã hội để giai đoạn sau có quy định giá hợp lý.
Đối với đề xuất ĐMTMN dư thừa bán giá 0 đồng như hiện nay, tức là khi phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng, không được thanh toán. Theo ông Tuấn, đề xuất như vậy có ý bao hàm "ghi nhận", nghĩa là giá trị tài sản xã hội đó được xác nhận là đóng góp (hoặc tác động bất lợi) đối với bên cung cấp điện, như vậy cần có những tính toán cụ thể về "lợi và hại" của sản lượng điện này.
Cụ thể, mặt lợi có thể là giảm đầu tư nguồn mới, giảm được chi phí truyền tải phân phối, giảm phát thải khí nhà kính. Mặt hại là phải tiết giảm hoặc ngừng các tổ máy phát điện có hiệu quả kinh tế, tăng chi phí điều độ, điều áp dưới tải,… do dư thừa nguồn vào thấp điểm trưa và không phát vào cao điểm chiều.
PGS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí (Đại học Bách Khoa) ủng hộ chủ trương ủng hộ phát triển để huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực trong việc phát triển các nguồn điện để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế. Về mặt kỹ thuật, ông Dũng ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong việc phát triển ĐMTMN, bởi sẽ gây áp lực lên hệ thống điện.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh thông qua việc phát triển ĐMTMN sẽ giúp bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời gian cao điểm; có cơ hội bổ sung khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tăng nhanh.
Bên cạnh đó, phát triển ĐMTMN là giảm áp lực đầu tư từ nhà nước, đồng thời khai thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, nói cách khác là huy động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư phát triển cho nguồn điện cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước. Đồng thời cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện.
Đối với một số nội dung được dư luận quan tâm như giá 0 đồng khi phát lên lưới, Bộ trưởng cho biết nếu cho phép được thực hiện mua bán thì sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện.
Vì mục đích tự sản, tự tiêu, nhằm ổn định chất lượng điện năng, ổn định cung cấp điện cho các tổ chức, cá nhân phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép loại hình này được đấu nối với hệ thống điện quốc gia; miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt ĐMTMN tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật...
Chính vì phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sẽ không có hoạt động mua bán ĐMTMN, bởi nếu có thì doanh nghiệp, chủ đầu tư sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Bình luận (0)