Bác từng nói đến sự hội tụ những khát vọng ấy bằng những lời mộc mạc: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta... Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội, nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.
Trong cố gắng ấy, Hồ Chí Minh có một ham muốn, “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” (2). Ở đây thấp thoáng bóng dáng nhà hiền triết phương Đông trong bản lĩnh nhà cách mạng từng trải. Cả hai phẩm chất ấy làm nổi bật tâm trí tuệ của một nhà văn hóa lớn.
Ở cái tầm ấy, Hồ Chí Minh hiểu rõ những thành tựu cũng như những sai lầm mà phong trào cách mạng đã trải qua. Người hiểu cần thanh lọc và tiếp nhận những gì có lợi nhất cho mục tiêu đã xác định, để sáng tạo trong tiếp thu và vận dụng những nguyên lý khoa học và cách mạng vào nước mình, phù hợp với đặc điểm của dân tộc mình. Hiểu rõ mục tiêu của từng chặng đường trên con đường thực hiện khát vọng của con người, Người không lẫn lộn mục tiêu cụ thể và trực tiếp của từng chặng với cái đích lý tưởng ở phía chân trời, tránh ảo tưởng duy ý chí dẫn đến hành động nôn nóng “đốt cháy giai đoạn”. Con người ấy “có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn”(3), Người đòi hỏi “không được sao chép nguyên văn những gì có sẵn, điều cốt yếu là hiểu đúng tinh thần và biết vận dụng các nguyên lý sát với tình hình cụ thể” (4) nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Hồ Chí Minh đứng vượt hẳn lên những người đương thời ở tầm tư duy và cái nhìn biện chứng nhờ vào những phẩm chất ấy. Kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Người, dân tộc ta càng tự hào với tư tưởng Hồ Chí Minh đang soi đường cho dân tộc ta đi tới.
1. C.Mác & Ph.Angghen Toàn tập. Tập 4. NXB CTQG.1995, tr. 628
2. Chương trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”. NXB KHXH.1993, tr. 84
3, 4. Phạm Văn Đồng “Hồ Chí Minh, Quá khứ Hiện tại và Tương lai” NXB ST. Hà Nội 1991, tr.29, tr.98
Bình luận (0)