xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Du lịch Việt Nam: Lành mạnh môi trường xã hội là khâu đột phá

Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Vì sao du lịch VN vẫn chưa thực sự “phất”, trong khi chúng ta có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế không khói này? Bài toán du lịch VN hậu SARS, cơ hội hút khách du lịch nhân sự kiện SEA Games 22... đang là những vấn đề hóc búa đối với ngành du lịch. Ngày 11-8 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giữ gìn trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại các địa điểm tham quan du lịch.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 6 tháng đầu năm 2003, thu nhập du lịch ước đạt hơn 8.200 tỉ đồng, bằng 72,2% so với cùng kỳ năm 2002. VN cũng đã đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế và nâng lượng khách nội địa lên con số 5 triệu. Tuy vậy, du lịch VN cũng phải chịu tổn thất nghiêm trọng từ các yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch SARS. Tổn thất này khiến VN mất khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế và 500 triệu USD thu nhập du lịch.

Du lịch hậu SARS: Khởi động chậm chạp

Sau khi dịch SARS đã được dập tắt, việc khởi động lại guồng máy du lịch với các chương trình quảng bá, khuyến mãi của ngành du lịch VN lại hoạt động quá chậm chạp, thiếu hiệu quả. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng thừa nhận rằng, dù đã rất nỗ lực song hoạt động du lịch thời hậu SARS của VN vẫn chưa lấy lại được phong độ. So với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore... thì các hoạt động khuyến mãi, quảng bá cho du lịch VN kém hơn đối thủ. Điều kiện tài chính, cơ sở vật chất hạn chế... chính là nguyên nhân cản trở, làm guồng máy du lịch VN hoạt động kém hiệu quả sau khi dịch SARS đã được dập tắt. Bà Thắng dẫn giải, để vực lại hoạt động du lịch sau dịch SARS, Úc bỏ ra 50 triệu USD thực hiện việc quảng bá, lôi kéo khách du lịch trở lại; Thái Lan có chương trình hành động du lịch đến năm 2005... Với VN thì những điều kiện như vậy chỉ có thể... mơ. Ví dụ chương trình khuyến mãi “2+1” phối hợp với Vietnam Airlines, do điều kiện hạn chế nên thời gian thực hiện chương trình khuyến mãi quá ngắn (từ giữa tháng 5 đến 30-9). Với các khách nước ngoài, giai đoạn khuyến mãi của VN vướng đúng vào mùa thấp điểm, nên rất khó thu hút khách du lịch.

 Phát triển du lịch phải gắn với môi trường xã hội

Ngoài các yếu tố trên, cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, việc du lịch VN chưa thể phát triển đúng tầm với các điều kiện ưu đãi là bởi những nguyên nhân nội tại của ngành. Nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn còn mang tính chất ăn xổi, thời vụ mà chưa có chiến lược kinh doanh lâu dài. Chẳng hạn sau dịch SARS, các công ty lữ hành quốc tế đua nhau giảm giá tour để giành giật khách. Điều này khiến lượng khách tăng, song lợi nhuận thu lại không cao. Có thời điểm, doanh nghiệp lữ hành phải chấp nhận làm tour cho khách Trung Quốc trong điều kiện chỉ thu lãi 15.000-20.000 đồng/khách.

Làm sao để du lịch VN tận dụng các điều kiện ưu đãi để “phất”? Theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan, bên cạnh khắc phục các điểm yếu hiện tại của du lịch VN như thắt chặt quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp lữ hành, thưởng phạt nghiêm minh đối với các cơ sở làm tốt và chưa tốt... thì một yếu tố quan trọng cần chú trọng là cải thiện môi trường xã hội. Phó Thủ tướng nêu ví dụ, trong những lần làm việc với các địa phương, ông thường được nghe các lãnh đạo đề nghị Chính phủ đầu tư vốn để đầu tư quy hoạch, phát triển du lịch nhưng chưa thấy một địa phương nào nêu ý kiến đầu tư cải thiện môi trường xã hội. Trong khi đó, đây lại là một yếu tố rất quan trọng trong việc lôi kéo khách du lịch. Phó Thủ tướng nói: “Cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt, đặc biệt là sau dịch SARS. VN có đủ các yếu tố để phát triển ngành du lịch song môi trường xã hội hiện là khâu yếu nhất. Một khi chúng ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng những hành vi thiếu văn hóa như mất cắp tại khách sạn, ăn xin đeo bám khách... ở ngay các địa điểm du  lịch thì chúng ta khó có thể kéo khách đến tham quan. Bởi vậy, lành mạnh môi trường xã hội nên được coi là khâu đột phát trong chiến lược phát triển của ngành du lịch”.

Hải Phòng


Ông Phan Thế Kháng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế:

Cách làm du lịch của ta còn rất manh mún

Ngành du lịch VN mới tham gia hội nhập với du lịch thế giới trong thời gian quá ngắn. Cho nên mức độ hiểu biết, kinh nghiệm quản lý, chuyên môn nghiệp vụ đều còn rất hạn chế. Theo tôi, muốn du lịch VN tiến kịp các nước trên thế giới thì nhất thiết phải có một chiến lược đào tạo cơ bản trong công tác quản lý, tiếp thị, chuyên môn nghiệp vụ khác.  Tôi cho rằng cần phải xây dựng một học viện du lịch, hoặc ít nhất cũng là một trường đại học du lịch để chuyên đào tạo chuyên ngành này.

Thứ hai là phải có quy hoạch có tính hệ thống trên cả nước.  Nếu quy hoạch không đi trước một bước thì chúng ta như một người mù đi giữa thế giới. Phải có quy hoạch mới nhìn được cái tổng thể và có bước đi thích hợp. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào một số vùng “béo bở”, có khả năng thu hút khách trước mắt thì nó sẽ phá vỡ cảnh quan lâu dài. Ví dụ ở Thừa Thiên - Huế, việc xây dựng quá nhiều khách sạn cao tầng ở phía Nam thành phố mà không chú ý đến hệ thống cơ sở hạ tầng thì có thể sẽ gây ách tắc trong tương lai.

Về các hoạt động du lịch sau dịch SARS, đúng là chúng ta đã bỏ lỡ những cơ hội. Về điểm này, Thái Lan và Trung Quốc làm rất hay nên đã hút được lượng khách rất lớn. Chúng ta có lợi thế rất lớn là được cả thế giới biết đến khi là nước đầu tiên khống chế, dập tắt được dịch SARS. Tuy nhiên, việc tuyên truyền quảng bá cho du lịch VN sau sự kiện này chưa lớn, và chưa có các chính sách cụ thể để hút khách trở lại. Các hoạt động cũng còn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa tạo ra một hiệu ứng cho du lịch VN.

Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát:

Ý thức làm du lịch của người dân còn rất kém

Cơ chế quản lý khách du lịch của công an hiện nay đã rất thông thoáng. Tạo mọi cơ hội để khách du lịch đến VN, không có bất kỳ sự cản trở nào. Thời gian làm các thủ tục nhập cảnh đã rút ngắn rất nhiều.

Lý do khiến du lịch VN còn chưa thu hút được nhiều khách có nhiều, trong đó có vấn đề ý thức người dân còn rất kém. Tình trạng mất cắp vặt trong các kỳ lễ hội đông người vẫn xảy ra. Và tình trạng này cứ tiếp diễn sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước trong con mắt quốc tế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo