Tuy nhiên, ông cục trưởng cho rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên...
. Phóng viên: Dư luận đang rất quan tâm về sự trùng lặp này, ông có thể giải thích ra sao?
- Ông Nguyễn An Ninh: Không phải chỉ đến bây giờ, mà thực tế từ nhiều năm rồi, nếu tiếp cận với các lò luyện thi, mọi người đều thấy việc ra “trọng tâm” là những điều rất cũ chứ không phải là món mới. Chúng ta có thể tìm thấy trọng tâm này ở tất cả các lò luyện thi. Nếu lò luyện nào chỉ cho học sinh 3 trọng tâm thì mới đáng quan tâm chứ đến 10 trọng tâm thì chẳng có vấn đề gì. Ví dụ về văn học, nó chỉ có từng ấy trọng tâm thôi. Tại sao? Vì đề thi yêu cầu phải bám sát chương trình lớp 12, phần đọc thêm, giảm tải, những gì đã ra ở những đề thi năm trước đều phải bỏ. Vì thế việc xác định từng đấy trọng tâm của lò C1 là chẳng có gì mới.
. Nhưng nhiều người nói mối liên quan giữa đề thi và “trọng tâm” ở C1 không phải là bình thường?
- Mặc dù báo chí có nói là cán bộ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ra đề nhưng tôi khẳng định là không có cán bộ nào của ĐH Sư phạm được phân công soạn thảo đề. Vì thế, xin khẳng định lần nữa là không có chuyện lộ đề mà chỉ là trúng tủ.
Điều này cũng nói lên một điều là sự yếu kém của đề thi tự luận. Đề thi tự luận là đề thi khiến người ta rất dễ đoán tủ. Ví dụ như thơ Xuân Diệu chỉ có chất lãng mạn, chẳng có ai dốt gì mà lại học chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thơ Xuân Diệu. Phương pháp trắc nghiệm sẽ hạn chế rất tốt xác suất trúng tủ của thí sinh.
. Quy chế không cấm giáo viên luyện thi tham gia làm đề?
- Đúng!
. Nhưng có một thực tế là cán bộ tham gia làm đề có thể biết được những phần nào được loại bỏ để khu trú cho học sinh phần trọng tâm, điều đó sẽ dễ dẫn đến tiêu cực?
- Ta phải tuân theo quy định thôi, chứ làm sao mà mọi thứ tuyệt đối được. Một khi mà ta còn sử dụng phương pháp thi tự luận thì còn nhiều ngộ nhận, chủ quan. Tôi biết, những người luyện thi khéo có thể tiên đoán những gì có thể được sử dụng làm đề thi để chuẩn bị cho thí sinh. Như thế thì người ta mới tồn tại được chứ. Bạn có thể đi tất cả các lò luyện thi trên toàn quốc, bạn sẽ thấy các lò đối phó như thế nào. Tại sao mà học sinh phải nộp tiền đến các lò luyện thi? Tất nhiên nó phải có mánh khóe của nó, nó phải dự đoán thế nọ thế kia chứ. Việc dự đoán này đôi khi cũng có sự trùng hợp nhất định, mà dự đoán là quyền của người ta. Điều quan trọng là dự đoán không báo giờ trúng được cái đề người ta sẽ ra.
. Ông vừa nói là những người luyện thi khéo có thể tiên đoán được những nội dung có thể ra đề. Vậy thì tại sao bộ còn mời họ vào hội đồng ra đề để gây nên những điều đáng tiếc?
- Không phải bộ chọn mà là bộ yêu cầu các trường giới thiệu những người giỏi để ra đề. Chúng tôi không bao giờ tìm đến các lò luyện thi để tìm người. Chúng tôi lựa chọn trên danh sách các trường đề cử. Còn nói về việc khu biệt nội dung ra đề thì chính chúng tôi khu biệt cho họ những cái được ra, những cái không được ra.
. Vậy ông khẳng định sự trùng hợp giữa đề thi môn văn và “trọng tâm” ở lò C1 chỉ là ngẫu nhiên?
- Tất nhiên là ngẫu nhiên. Quy trình ra đề đúng quy chế và không có tiêu cực.
. Ông có thể cho biết quy trình làm đề của bộ ra sao?
- Có người hỏi tôi, quy trình làm đề của bộ có cho phép người làm đề đưa ý muốn chủ quan của mình vào không? Tôi khẳng định là không. Quy trình làm đề yêu cầu đề thi phải khách quan, phải ra ở những phần nội dung chưa có ở những đề khác. Văn học có vài chục chủ đề, nhưng người ra đề thi lại không được ra đề ở những khía trùng lắp với những đề đã được sử dụng (của 3 năm trước). Vì thế, tôi khẳng định trường hợp ở lò C1 không phải là lộ đề mà chỉ là trúng tủ thôi.
Cũng phải nói thêm là ngoài ông tổ trưởng làm đề, những người soạn thảo đề được phân công làm sao trong khuôn khổ chương trình ấy, anh phải xây dựng nên những đề thật sự. Rồi từ đó, đề thi của từng người được phản biện, cuối cùng là tổng hợp lại thành một đề hoàn chỉnh sao cho mỗi đề thi có không quá 1 câu của 1 người. Bộ trưởng sẽ bốc thăm ngẫu nhiên đề nào là đề chính thức, đề nào là đề dự bị. Với một quy trình như thế thì không ai có thể khẳng định đề nào là đề của mình hay đề nào được chọn để dự thi.
Tiến sĩ giáo dục Dương Thiệu Tống: Thi cử sẽ loạn mất! Một giáo viên vừa dạy luyện thi ĐH vừa có chân trong hội đồng ra đề thi tuyển sinh ĐH là điều không thể chấp nhận được. Tôi không nghĩ rằng một trường ĐH sư phạm lại mở lớp luyện thi. Việc mua bán chữ nghĩa quá lộ liễu làm mất tư cách, đạo đức người thầy. Nó còn nêu gương xấu cho sinh viên của mình, những nhà giáo tương lai. Trước đây, việc làm này đã bị dư luận phản đối. Ở nước ngoài, người ta cũng lên án triệt để vì nó làm hỏng thi cử. Có người lập luận rằng đề thi môn văn khối C, D không hẳn đúng trọng tâm ôn thi hết. Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên (!). Theo tôi, nếu đề thi giống hết với nội dung ôn thi thì còn ra thể thống gì nữa! Thi cử sẽ loạn mất! Người ta chỉ cần ra đề giông giống, mà có cả hàng ngàn cách ra giông giống như đề. Bao nhiêu đó cũng đủ làm mất đi giá trị của thi cử. Thời tôi ra trường, đi dạy, còn rất trẻ nhưng cũng được tham gia ra đề thi. Tất cả giáo viên cả nước ai cũng có quyền ra đề thi. Lãnh đạo Bộ GD lập ra ban tuyển chọn các đề thi đó. Không nên mỗi năm đến ngày thi lại triệu tập một số người ra đề, cũng không nên để giáo viên của một trường hay một địa phương ra đề thi. Ví dụ, nếu cho giáo viên ở TPHCM ra đề cho thí sinh cả nước thì e rằng sẽ có sự thiên vị cho thí sinh TPHCM. Vấn đề Bộ GD-ĐT có nên ra quy định cấm giáo viên ra đề dạy luyện thi hay không. Theo tôi, giáo viên ra đề thi không nên tham gia dạy luyện thi, các trường sư phạm càng không nên dạy luyện thi vì giáo viên phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Tôi đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT suy nghĩ thêm về vấn đề này. Từ Nguyên Thạch ghi |
Bình luận (0)