Một báo cáo từ cơ quan xếp hạng tín dụng Ind-Ra (Ấn Độ) cho biết việc tuyến hàng hải qua biển Đỏ bị gián đoạn - xuất phát từ làn sóng tấn công của phong trào Houthi ở Yemen - khiến các doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh thương mại quốc tế sẽ phải chịu mức tăng 25%-30% đối với chi phí vận chuyển và giao nhận hàng hóa.
Hơn nữa, chu kỳ vốn lưu động có thể tăng thêm từ 15-20 ngày. Tác động nhiều khả năng thấy rõ hơn trong các lĩnh vực nông nghiệp và dệt may, theo tờ Business-Standard.
Cũng theo báo cáo, áp lực lên dòng tiền - mặc dù chỉ ở mức vừa phải đối với các doanh nghiệp lớn - cũng đủ khiến doanh nghiệp phải vay mượn thêm, nhất là trong các lĩnh vực sắt thép, ô tô và phụ tùng, hóa chất và dệt may.
Ông Soumyajit Niyogi, Giám đốc Nhóm phân tích cốt lõi của Ind-Ra, cho rằng dù doanh nghiệp lớn có thể đáp ứng được chi phí gia tăng nói trên nhưng sự chậm trễ và gián đoạn trong chuỗi cung ứng vẫn là các yếu tố cần theo dõi.
Đối với doanh nghiệp quy mô vừa, thách thức có thể tăng gấp đôi cả về chi phí, nguồn cung, kéo theo chu kỳ vốn lưu động, khiến họ không được hưởng lợi nhiều từ việc giá cả hàng hóa giảm bớt.
Phản ứng ban đầu của chuỗi tác động này, theo Ind-Ra, là giá cước vận tải đã tăng 150% trong 45 ngày qua, sau khi nhiều nhà vận tải biển phải chuyển hướng tàu sang đường vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, kéo dài hành trình thêm 12 - 15 ngày.
Trong khi đó, theo báo Daily Mail (Anh), giá vận chuyển container toàn cầu đã tăng hơn 300% trong khoảng thời gian từ tháng 11-2023 đến tháng 1 năm nay.
Ấn Độ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn khi 20%-25% giá trị ngoại thương đi qua kênh đào Suez, bao gồm các sản phẩm chính như dầu thô, ô tô và phụ tùng ô tô, hóa chất, dệt may, sắt thép. Các mặt hàng nhập khẩu như dầu thô, phân bón và linh kiện điện tử cũng đối mặt chi phí tăng cao.
Tại Anh, theo Daily Mail, người dân nước này có khả năng đối mặt tình trạng tăng giá và thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng điện gia dụng cỡ lớn hay ghế sofa, đồ nội thất sân vườn… trong mùa hè tới do chi phí vận chuyển tăng vọt.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý kênh đào Suez thông báo doanh thu của kênh đào này trong 2 tuần đầu tháng 1-2024 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2023, khối lượng vận chuyển giảm 41%.
Không dừng lại ở đó, giá cước vận chuyển tăng còn có nguy cơ thổi bùng lạm phát trở lại trong bối cảnh giá dầu cũng tăng lên đáng kể thời gian qua.
Để ngăn chặn tình hình xấu thêm, hôm 19-2, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức triển khai sứ mệnh hải quân mang tên Chiến dịch Aspides nhằm bảo vệ các tàu chở hàng ở biển Đỏ khỏi các cuộc tấn công từ lực lượng Houthi.
"Châu Âu sẽ bảo đảm quyền tự do hàng hải, hợp tác với các đối tác quốc tế. Ngoài việc ứng phó với khủng hoảng, đây là một bước hướng tới sự hiện diện mạnh mẽ hơn của châu Âu trên biển để bảo vệ lợi ích của chúng ta" - đài Al-Jazeera dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyden.
Trong khuôn khổ sứ mệnh này, các tàu chiến và hệ thống cảnh báo sớm trên không của châu Âu sẽ có mặt ở biển Đỏ, vịnh Aden và các vùng biển xung quanh. Cho đến nay Pháp, Đức, Ý và Bỉ cho biết họ có kế hoạch cho tàu tham gia.
Theo một quan chức EU, trung tâm chỉ huy của chiến dịch nằm ở TP Larissa - Hy Lạp và sẽ chỉ ra lệnh bắn vào Houthi nếu bị tấn công trước.
Tại biển Đỏ cũng đã triển khai chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng do Mỹ dẫn đầu nhưng chưa khắc chế được Houthi. Trước đó, cùng ngày 19-2, Houthi tuyên bố tấn công tàu chở hàng Rubymar mang cờ Belize, do Anh đăng ký và Lebanon điều hành.
Houthi cho biết tàu có nguy cơ bị chìm ở vịnh Aden song thủy thủ đoàn vẫn an toàn. Houthi còn cho biết đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ ở TP cảng Hodeidah - Yemen.
Bình luận (0)