Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (Quy định 41).
Quy định này thay thế Quy định số 260 ngày 2-10-2009 của Bộ Chính trị và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ - Ảnh: Nhật Bắc
Quy định 41 quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (sau đây gọi chung là cán bộ).
Quy định 41 nêu rõ: Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức. Đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức. Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ theo Quy định này.
Đáng chú ý, theo Quy định 41, việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.
Quy định của Bộ Chính trị cũng quy định rõ căn cứ xem xét từ chức. Theo đó, việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Nội dung quan trọng khác của Quy định 41 là căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu.
Cụ thể, việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong các trường hợp: Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Về quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức nêu rõ khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.
Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, các cơ quan có liên quan thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, điều lệ, quy chế hoạt động của từng tổ chức.
Quy định 41 cũng quy định việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức. Theo đó, cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.
Quy định của Bộ Chính trị nêu rõ tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Quy định này; chỉ đạo cụ thể hoá phù hợp với từng cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp và không trái với Quy định này.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật có liên quan. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.
Thế nào là miễn nhiệm, từ chức, vi phạm...?
Theo Quy định 41, miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.
Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
Bình luận (0)