Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5-2016).
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11-2021. Ảnh: VGP
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từ ngày 22 đến 25-11-2021. Ở thời điểm đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp đón kể từ khi ông nhậm chức.
Trước khi nhận nhiệm vụ đứng đầu Chính phủ hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Fumio Kishida đã quen biết và thân thiết với nhau trong mối quan hệ giữa 2 tổ chức nghị sĩ hữu nghị của hai nước: Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng là Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt-Nhật, còn Thủ tướng Kishida đã là thành viên và Tổng thư ký của Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt trong hàng chục năm.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đạt được những kết quả có ý nghĩa chiến lược, toàn diện với những dấu ấn quan trọng, hứa hẹn những bước phát triển vượt bậc trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp giữa hai nước ký kết và trao đổi hơn 50 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có các thỏa thuận hợp tác về các dự án trị giá hàng chục tỉ USD. Chuyến đi một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-9-1973, từ tháng 3-2014 Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10-2011). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Về thương mại: Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999.
Năm 2021 kim ngạch thương mại song phương đạt 42,7 tỉ USD, xuất khẩu đạt 20 tỉ USD (tăng 4,4%) và nhập siêu 2,52 tỉ USD. Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim nghạch xuất nhập khẩu đạt 11,2 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt gần 5,4 tỉ USD , tăng 10,1% và nhập khẩu đạt gần 5,8 tỉ USD , tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế đến 20-3-2022, Nhật Bản có 4.828 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 64,410 tỉ USD, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Singapore trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài). Năm 2021, Nhật Bản có 9 dự án cấp mới và 8 lượt góp vốn mua cổ phần, đứng thứ 4 với tổng vốn đăng ký 200 triệu USD.
Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay cho đến 12/2019 là 2.578 tỉ Yên (tương đương khoảng 23,76 tỉ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt hơn 450.000 người, sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại tỉnh Aichi, Tokyo, Osaka, Saitama, Chiba, Fukuoka.
Bình luận (0)