Ngày 25-8, UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết đã báo cáo với Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về sai phạm tại Cụm công nghiệp Phước Tân (phường Phước Tân, TP Biên Hòa) khi xây dựng trái phép trên đất quy hoạch rừng với diện tích 72 ha.
Một góc Cụm công nghiệp Phước Tân
Về công tác xử lý cán bộ, UBND TP Biên Hoà kiểm điểm rút kinh nghiệm các ông Lê Văn Trung- nguyên Chánh Văn phòng HĐND-UBND; ông Nguyễn Quốc Việt- nguyên Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị; ông Trần Huỳnh Sơn- chuyên viên phòng Quản lý đô thị; bà Lý Mỹ Hậu- chuyên viên Văn phòng HĐND-UBND.
Kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Tấn Vinh- Trưởng Phòng TN-MT; ông Doãn Văn Đồng- Trưởng Phòng Quản lý đô thị; ông Trần Quang Huấn- nguyên chuyên viên phòng Quản lý đô thị; ông Nguyễn Trí Nhân- nguyên cán bộ địa chính phường Phước Tân.
Kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Mai Tấn Tài - nguyên Chủ tịch UBND phường Phước Tân; ông Huỳnh Thành Phương- nguyên phó Chủ tịch UBND phường Phước Tân.
Ông Nguyễn Hiếu Cường- cán bộ địa chính phường Phước Tân, bị hạ bậc lương.
Tại cuộc họp báo mới đây của UBND tỉnh, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã thống nhất chủ trương không chấp nhận sự tồn tại của cụm công nghiệp không phép Phước Tân.
Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai Nguyễn Trí Phương khẳng định các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Phước Tân đến cuối năm 2025 phải thực hiện việc di dời. Đây là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh.
"Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo giao cho UBND TP Biên Hòa bắt đầu từ năm 2023 xây dựng lộ trình di dời các nhóm doanh nghiệp đến 2025 là hạn chót cho phép tồn tại. Sau đó giao TP Biên Hòa tham mưu để có quy hoạch theo đúng định hướng phát triển của TP Biên Hòa trong giai đoạn sắp tới" - Phó giám đốc Sở Công thương nói.
Theo kết luận thanh tra, Cụm công nghiệp Phước Tân rộng 72 ha được đưa vào quy hoạch năm 2015 nhưng chưa được cấp phép đầu tư.
Tuy nhiên, đã có 7 trường hợp được TP Biên Hòa cho phép chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ không phù hợp với quy hoạch xây dựng; 41 trường hợp chủ sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang kinh doanh, thương mại - dịch vụ nên đã vi phạm pháp luật về sử dụng đất.
Kết luận thanh tra chỉ rõ những trường hợp vi phạm trên lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền đã xây nhà xưởng, nhà kho, các công trình xây dựng khác trên đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc cho thuê.
Trong số các trường hợp vi phạm, nhiều trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về đất đai hoặc bị xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường, xây dựng nhưng chưa có biện pháp khắc phục hậu quả.
Thanh tra cũng kết luận trách nhiệm đối với các vi phạm thuộc về các tổ chức, cá nhân quản lý việc sử dụng đất, bảo vệ môi trường và xây dựng công trình, nhà xưởng.
UBND tỉnh Đồng Nai được đề nghị giao Công ty Điện lực Đồng Nai, UBND huyện Long Thành, TP Biên Hòa làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm, kiểm điểm xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm tại cụm công nghiệp trong việc quản lý, xử phạt, câu móc, sử dụng điện.
Đồng thời, thanh tra tỉnh cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh Đồng Nai và các sở ngành có liên quan vì chưa kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có các vi phạm đến lĩnh vực của từng sở ngành phụ trách.
Bình luận (0)