xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ai khóc cho Đường Lâm?!

Theo Nguyễn Trần Chung (Khampha.vn)

Là nỗi buồn chông chênh của một người thuộc thế hệ 9X khi chứng kiến những mảnh ghép đẹp tuyệt của một làng quê bị vỡ vụn.

Trong ký ức còn đọng lại nơi tôi vào một ngày hè oi nồng trên cánh đồng quê Bắc Bộ 4 năm về trước khi lần đầu tiên tôi có dịp đặt chân đến Đường Lâm là cổng làng cổ bóng cây mát rượi. Ở đó, hàng chục người nông dân đang gác cuốc nghỉ ngơi giữa giờ làm đồng, tránh cái nắng như thiêu đốt dưới tán lá ngợp xanh rì như bàn tay dang rộng chở che đầy yêu thương của gốc đa đại thụ đã hàng thế kỷ chứng kiến những đớn đau, hoan hỉ trong kiếp nhân sinh.

Đối với cậu bé sinh ra và lớn lên, ôm trọn trong lòng mình những mảnh ghép vụn vặt phố thị thì hình ảnh làng quê yên bình lúc đó hiện ra như khung hình của một bộ phim đang được tua chậm, cho tôi sự cảm nhận từ tận đáy tim mình.

 

Cổng làng vào Đường Lâm
Cổng làng vào Đường Lâm

 

Tôi còn nhớ Đường Lâm lúc đó chưa có nhiều du khách như hôm nay. Tôi lặng bước, tò mò ngắm nhìn mọi thứ trên con đường gạch dẫn lối xung quanh ngôi làng. Lũ trẻ rong chơi ngày mùa, gương mặt không chút ưu lo. Lom khom cụ bà chống gậy, quýt trầu mới nhổ, vết nước còn ướt đỏ đôi môi. Túm tụm bàn cờ góc sân đình, đăm chiêu mấy cụ ông ngồi thưởng thức. Người dân mỉm cười mỗi khi bắt gặp tôi cúi chào.

4 năm sau, vào một ngày mưa bụi với cơn gió đông lạnh buốt lòng, tôi mới có dịp quay lại Đường Lâm. Mảnh đất này, sau quãng thời gian xa cách đó giờ đây với tôi như lạ lẫm quá.

Cổng làng cổ yên bình năm ấy giờ chào đón tôi bằng hai trạm thu phí chặn ở hai đầu. Tôi sẽ phải bỏ ra 20.000 đồng để có được tấm vé vào làng và người viết vé cho tôi là một cô gái tuổi tầm đôi mươi đang ngồi cắt móng chân gác trên ghế. Không có nụ cười thân thiện nào cả, những ánh mắt hờ hững chạm vào tôi thật nhanh rồi quay đi như không muốn bị làm phiền.

 

Ánh mắt đứa bé trên lưng bà dành cho vị khách lạ lẫm là tôi
Ánh mắt đứa bé trên lưng bà dành cho vị khách lạ lẫm là tôi

 

Thế nhưng khi bạn bước đến các quán nước, quà lưu niệm thì lại gặp tiếng mời gọi khách réo rắt liên tục của những bà, những cô hàng xén. Những gian nhà cổ trước kia một số đã được trùng tu, kèm theo dịch vụ phục vụ ăn uống phát triển. Tiếng ồn ào, cười nói nhộn nhạo như trong một quán cơm bình dân giữa nơi thị thành tôi ở đang diễn ra ngay tại ngôi nhà cổ nhất làng.

Tôi bước vào gian nhà đó xin chụp lại một vài bức ảnh kỷ niệm trong khi người chủ nhà còn đang bận đứng ghi chép hoá đơn thanh toán, tính tiền cho những vị khách du lịch mới dùng xong bữa trưa.

Cả làng này trừ khoảng mấy chục hộ gia đình có nhà cổ, những hộ làm dịch vụ phục vụ du lịch và bộ phận quản lý di tích, còn thì đa phần người dân lại không được hưởng lợi gì từ di tích.

Dân Đường Lâm đã phải khổ sở vì không được xây dựng nhà cửa theo nhu cầu sống của mình, trong khi họ đang phải ở trong những không gian chật chội. Vậy ai được lợi trong sự tôn vinh ngôi làng cổ đầu tiên của Việt Nam này?

 

Những lớp tường đá ong xưa đang dần bị thay thế bằng lớp tường gạch mới
Những lớp tường đá ong xưa đang dần bị thay thế bằng lớp tường gạch mới

 

Khi những xung đột của bảo tồn và lợi ích cư dân lên đến đỉnh điểm, đã có người trách lẽ ra người dân Đường Lâm nên có tinh thần di sản vì được mang vinh dự này.

Thế nhưng, di tích vẫn là một cơ thể sống như bất cứ ngôi làng nào. Di sản này, dù được sử dụng để phục vụ cho bất kỳ mục đích nào, kinh doanh hay văn hóa gì thì trước hết nó phải tồn tại và phát triển vì những lý lẽ dân sinh, vì giá trị nhân văn nhất ở đời, đó là sự sống ở nơi đây.

Hãy đứng lại trong sự tĩnh lặng và yên bình để cảm nhận. Ngắm nhìn di sản để thấu hiểu cái quá khứ đẹp đẽ còn hiện hữu. Có những thứ ta có thể học từ con người, có những thứ ta có thể học từ sách vở. nhưng có những thứ chỉ có thể nhìn và cảm nhận. Đó là di sản.

Đi cùng di sản này có cụ bà gần 70 tuổi với nụ cười móm mém, thuộc lòng trang lịch sử của cái ngôi làng Bắc Bộ với những di tích còn lại tính đến nay đã hàng trăm năm tuổi, bà thuộc và am hiểu hơn bất cứ một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu nào mà tôi đã từng gặp.

Những câu chuyện của bà được kể ra luôn đính kèm theo một cách khéo léo và cẩn thận những khoản chi phí tham quan dành cho những vị khách du lịch đang chăm chú lắng nghe là chúng tôi. Ở đó còn có hình ảnh của người đàn ông 60 tuổi về hưu, 20 năm qua canh giữ tiếng chuông ngân của một nhà thờ giữa ngôi làng đó cho khoảng 200 giáo dân là người theo đạo. Ông hỏi xin chúng tôi tiền mua bao thuốc.

Người Đường Lâm đã và đang hy sinh cho làng cổ. Người Đường Lâm đã từng phải cay đắng, chấp nhận mất đi những nhu cầu và giá trị sống trong nếp nhà nương thân của họ. Người Đường Lâm đã từng phải bật khóc ký vào lá đơn chưa từng có trong lịch sử Việt Nam: Xin trả lại danh hiệu Di tích Quốc gia làng Việt cổ đầu tiên của cả nước. Nhưng rồi đây, ai sẽ khóc cho Đường Lâm?

Tôi luyến tiếc khi 4 năm về trước đã không có cách nào để lưu giữ những khoảnh khắc Đường Lâm khi đó, để hôm nay chào tạm biệt Đường Lâm, mang theo về một nỗi buồn chông chênh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo