xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chốn bình yên của các loài linh trưởng quý hiếm

Văn Duẩn - Phú Cường

Vườn Quốc gia Cúc Phương được thế giới biết đến là một hình mẫu trong công tác cứu hộ và bảo tồn linh trưởng, là nơi truyền cảm hứng rất lớn về tình yêu thiên nhiên

Nằm cách Hà Nội 120 km về phía Nam, sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương là VQG đầu tiên và cũng là khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam, được thành lập từ năm 1962, thuộc địa phận 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, tổng diện tích là 22.408 ha. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử nên từ lâu VQG Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.

Nức tiếng cứu hộ, chăm sóc linh trưởng

Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) - VQG Cúc Phương được thành lập năm 1993 với sự hợp tác giữa VQG Cúc Phương và Hội Động vật Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức). Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương, cho biết chương trình cứu hộ linh trưởng nguy cấp tại VQG Cúc Phương nổi tiếng trên thế giới về công tác cứu hộ và chăm sóc linh trưởng. Đây là dự án phi lợi nhuận đầu tiên ở bán đảo Đông Dương, dành riêng cho việc cứu hộ linh trưởng. Từ năm 2017, các hoạt động của chương trình này và chương trình bảo tồn linh trưởng Việt Nam được điều hành bởi VQG Cúc Phương và Vườn thú Leipzig.

Từ khi thành lập tới nay, chương trình đã cứu hộ, chăm sóc cho khoảng 188 cá thể linh trưởng của 14/25 loài và phân loài thú linh trưởng quý hiếm của Việt Nam.

"Đặc biệt, trong số 14 loài đó, có 6 loài hiện nay chưa có vườn thú hay dự án cứu hộ thú linh trưởng nào trên thế giới nuôi dưỡng đó là: voọc mông trắng, voọc Hà Tĩnh, voọc Lào, voọc đen tuyền, voọc Cát Bà và voọc chà vá chân nâu" - ông Chính cho biết.

Ngoài làm tốt công tác nuôi dưỡng và chăm sóc, chương trình cũng thành công trong việc cho chúng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt. Theo thống kê, đến nay tại đây đã có hơn 350 cá thể con non được sinh ra. Trong đó có một số loài lần đầu tiên sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt: voọc mông trắng, voọc Cát Bà và voọc chà vá chân xám.

Đối với các loài voọc, việc chăm sóc và cung cấp đúng thức ăn cho chúng trước đây là vấn đề rất nan giải. Đây cũng là vấn đề của tất cả các dự án, chương trình cứu hộ hoặc các vườn thú trên thế giới. Tuy nhiên hiện nay, sau những nỗ lực trong nghiên cứu, tìm tòi, những nhà khoa học của VQG Cúc Phương và các chuyên gia quốc tế đã lập được danh mục gồm khoảng 160 loài thực vật thuộc 53 họ và 30 loại củ, quả làm thức ăn cho voọc đang nuôi nhốt tại đây, dựa trên phân bố hệ thực vật của rừng Cúc Phương.

Một thành quả khoa học đáng tự hào đó là kết quả nghiên cứu tập tính sinh hoạt, tìm kiếm thức ăn, mức độ sử dụng môi trường sống cũng như không gian sống của chúng trong điều kiện môi trường bán hoang dã. Chính từ thành quả này, tính đến hết năm 2019, chương trình đã tái thả thành công 70 cá thể linh trưởng về môi trường tự nhiên hoàn toàn.

Chị Elke Schwierz đang chăm sóc các loài linh trưởng quý hiếm tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp - Vườn Quốc gia Cúc Phương

Chị Elke Schwierz đang chăm sóc các loài linh trưởng quý hiếm tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp - Vườn Quốc gia Cúc Phương

Linh trưởng quý hiếm tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp - Vườn Quốc gia Cúc Phương Ảnh: Phú Cường

Linh trưởng quý hiếm tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp - Vườn Quốc gia Cúc Phương Ảnh: Phú Cường

Những "đại sứ" giáo dục

Với diện tích 3,5 ha, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp - VQG Cúc Phương có khoảng 50 chuồng sắt rộng rãi, giúp các loài được sống trong môi trường gần gũi với thiên nhiên.

Chị Elke Schwierz - chuyên gia người Đức làm nhiệm vụ quản lý chăm sóc động vật, gắn bó với trung tâm hơn 20 năm, nói tiếng Việt giỏi và biết pha trò, tạo nhiều tiếng cười cho du khách - giới thiệu với chúng tôi về Lọ Lem. Đây là một cá thể vượn cái đến với VQG Cúc Phương vào tháng 6-2016 sau khi được cứu hộ từ Vũ Quang, Hà Tĩnh. Lọ Lem được dự đoán khoảng 6 hoặc 7 tuổi thông qua màu lông vẫn chưa được thay mới hoàn toàn. Khi mới được cứu hộ, Lọ Lem rất gầy và rơi vào tình trạng trầm cảm khi suốt ngày chỉ ngồi một chỗ dưới đất hoặc chỉ treo người từ trên xuống, bởi trước đây Lọ Lem bị người dân nuôi nhốt trong lồng chật hẹp.

Các nhân viên ở đây đã rất cố gắng trong việc phục hồi sức khỏe và tinh thần cho Lọ Lem bằng cách bổ sung nhiều đồ ăn cũng như làm giàu môi trường sống cho cô. Dần dần, bản năng tự nhiên được đánh thức, Lọ Lem thích thú với mọi thứ trở lại. Sau đó, Lọ Lem được thử ghép đôi với một vài chú vượn mới cho tới khi ghép thành công với Lucky. Hạnh phúc đã đơm hoa, kết trái với cặp đôi này khi chúng đã sinh ra "em bé" K đáng yêu. "Hiện nay, các thành viên trong gia đình của Lọ Lem đang sống với nhau rất vui vẻ, hạnh phúc. Đó là một thành quả rất ngọt ngào cho những nỗ lực của tất cả chuyên gia, cán bộ kỹ thuật nơi đây" - chị Elke Schwierz phấn khởi.

Chị Elke giới thiệu với du khách thêm 2 cá thể vượn được ghép đôi với lý do đặc biệt. Vượn cái có tên là Ina và vượn đực có tên là Mafia. "Tên Mafia được lấy theo biệt danh của một ông trùm ma túy lớn nhất Lạng Sơn - người bị bắt trong một vụ án vào năm 2018. Ông trùm này có thú vui nuôi động vật hoang dã làm thú cưng, trong đó có một chú vượn. Sau khi được giải cứu, chú vượn này được các nhân viên của chương trình đặt tên là Mafia để nhắc nhớ về cuộc giải cứu đặc biệt" - chị Elke kể.

Chị Elke Schwierz cho biết có rất nhiều cá thể tại đây sau nỗ lực cứu hộ, chăm sóc của chương trình nhưng đều không có cơ hội trở lại môi trường sống tự nhiên vì những lý do khác nhau. "Các bạn thú ấy, được gọi là những "đại sứ" giáo dục tại chương trình, gửi tới du khách hình ảnh trực quan nhất, giàu cảm xúc nhất để thấy được tác hại ghê gớm của việc săn bắt, mua bán, nuôi nhốt và sử dụng động vật hoang dã trái phép, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức tôn trọng và bảo vệ động vật hoang dã" - chuyên gia Đức nói.

Giám đốc VQG Cúc Phương Nguyễn Văn Chính bảo rằng những loài linh trưởng nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung chỉ đẹp nhất khi chúng được sống trong môi trường tự nhiên. "Vì vậy, bằng cách của mình, mỗi người hãy cùng chung tay nỗ lực bảo vệ các loài linh trưởng để chúng được sống trong thế giới tự nhiên vốn có" - ông Chính nhắn nhủ. 

Vườn quốc gia hàng đầu châu Á

"Chúng tôi tự hào rằng đây là địa điểm được thế giới biết đến như là một hình mẫu trong công tác cứu hộ và bảo tồn linh trưởng. Tại đây hằng năm có hàng chục ngàn lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan, học tập và nghiên cứu. Đây cũng là nơi truyền cảm hứng rất lớn cho các bạn trẻ ở khắp nơi trên thế giới về tình yêu thiên nhiên" - Giám đốc VQG Cúc Phương bày tỏ. Với những thành tựu đạt được, VQG Cúc Phương đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. 2023 là năm thứ 5 liên tiếp (từ năm 2019-2023) VQG Cúc Phương vinh dự được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là VQG hàng đầu châu Á.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo