xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chủ động, sáng tạo thực hiện Nghị quyết 98

LÊ VĨNH

Chính phủ sẽ đề xuất với Ban Bí thư để TP HCM có thêm một phó chủ tịch chuyên theo dõi, giúp chủ tịch UBND thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết 98

Ngày 3-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị lần thứ 2 Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (Ban Chỉ đạo 850). Tham dự hội nghị còn có Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi...

Rút ngắn thời gian triển khai

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết qua 6 tháng từ khi Nghị quyết 98 được ban hành và sau 2 tháng Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo 850, việc triển khai Nghị quyết 98 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trong đó, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 07/2024/NĐ-CP quy định chi tiết việc bầu, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường của TP HCM. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 11/2024/NĐ-CP hướng dẫn về quy định khi thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao); miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của TP HCM.

Bộ Công Thương cũng đã dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó có các trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Theo ông Trần Duy Đông, tại Nghị quyết 98, TP HCM được giao chủ trì 2 nhiệm vụ; tại thông báo kết luận Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo 850, thành phố được giao chủ trì 5 nhiệm vụ. TP HCM đã triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách, hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ.

HĐND TP HCM đã ban hành 9 nghị quyết triển khai các chính sách tại Nghị quyết 98. UBND TP HCM cũng đã hoàn thành 6 nhiệm vụ và đang tích cực hoàn thành các nhiệm vụ còn lại theo tiến độ.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận xét các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98 hầu hết là những vấn đề mới, chưa có quy định. Trong quá trình chuẩn bị, trao đổi giữa TP HCM và các bộ, ngành "vẫn còn có tâm lý là mới, chưa có quy định".

Do đó, Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo; các bộ, ngành sẽ cùng thành phố thống nhất với nhau về cách tiếp cận, triển khai các vấn đề mới. Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn, thống nhất, đồng thuận với TP HCM trong những quy trình, quy định liên quan.

Theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM đang quyết tâm triển khai các dự án theo hình thức PPP (đối tác công - tư). Đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao được đầu tư theo hình thức này, TP HCM nỗ lực rút ngắn thời gian thực hiện.

Xóa cơ chế xin - cho; tăng phân cấp, phân quyền

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận khi triển khai thực hiện Nghị quyết 98, khối lượng công việc là rất lớn, trong đó có nhiều việc mới về phương pháp, cách làm. Cách thức triển khai Nghị quyết 98 có nhiều vấn đề vượt khỏi lằn ranh của hệ thống pháp lý hiện hành, nhiều vấn đề cần phải thí điểm. Do đó, rất cần sự nắm bắt, theo sát và tham mưu một cách đúng đắn, mang tính đột phá và vượt trội theo tinh thần của Nghị quyết 98.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến vấn đề nhân sự thực hiện Nghị quyết 98. Bởi lẽ, TP HCM hiện quá tải với những công việc trước mắt.

"Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 là một loại công việc mới, cần có người chuyên sâu, chính danh theo sát mới có thể bảo đảm được các yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nếu không, chúng ta sẽ gặp vướng mắc bởi những quy trình không cụ thể. Tôi đề nghị Thủ tướng quan tâm về bộ máy chuyên trách thực hiện Nghị quyết 98" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Ảnh: TTXVN

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương tập trung, khẩn trương ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp trên toàn quốc trong quý II/2024. Trong trường hợp các địa phương vướng quy định về luật thì xử lý riêng cho TP HCM theo Nghị quyết 98.

Thủ tướng cũng yêu cầu xóa bỏ cơ chế xin - cho. Điều này nhằm tạo môi trường lành mạnh cho cán bộ dễ làm việc, không sợ sai, không sợ trách nhiệm.

Theo Thủ tướng, cần phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm cá nhân và tăng cường phân bổ nguồn lực cho cấp được phân quyền. Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 98, các thành viên Ban Chỉ đạo 850 phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm. Qua đó, đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện và tham mưu cho Ban Chỉ đạo 850 sát hơn, kịp thời, cụ thể hơn. Đồng thời, giải quyết nhanh chóng, tập trung tháo gỡ những vướng mắc, vượt qua những thách thức trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 98.

Với các bộ, ngành và TP HCM, Thủ tướng lưu ý phải cải tiến cách làm. Bên cạnh đó, cần có cán bộ phụ trách triển khai các công việc của Nghị quyết 98 chuyên sâu hơn, tập trung nhiều hơn về mặt công sức lẫn thời gian.

Thủ tướng cho rằng trước hết, TP HCM cần có thêm một phó chủ tịch với nhiệm vụ theo dõi, giúp chủ tịch UBND thành phố thực hiện Nghị quyết 98. Chính phủ và TP HCM sẽ đề xuất với Ban Bí thư để thành phố có thêm một phó chủ tịch trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng đưa ra yêu cầu cụ thể về thời gian hoàn thành các công việc đối với những đơn vị liên quan. Theo đó, trong quý I/2024, cơ quan chức năng phải trình các cấp có thẩm quyền xem xét tác động môi trường và cho chủ trương về đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong tháng 2, phải trình các cấp có thẩm quyền về những vấn đề liên quan tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành tiêu chí chuẩn nghèo trong tháng 2-2024... 

Triển khai bồi thường dự án Vành đai 2

Cùng ngày, UBND TP Thủ Đức, TP HCM đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ việc xây dựng đường Vành đai 2 trên địa bàn.

Dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp dài 3,5 km với tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.675 tỉ đồng; đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng dài gần 2,5 km, tổng mức đầu tư 4.543 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường 1.956 tỉ đồng. Dự án đi qua địa bàn 6 phường và thu hồi đất với diện tích 61,51 ha, khoảng 935 trường hợp bị ảnh hưởng.

TP Thủ Đức cam kết đến tháng 11-2024, toàn dự án được bàn giao 70% mặt bằng để thi công; đến tháng 3-2025 sẽ hoàn thành 100% mặt bằng bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đề nghị các sở, ngành hỗ trợ, hướng dẫn TP Thủ Đức về cơ chế, chính sách. Đồng thời, TP Thủ Đức cần kịp tháo báo cáo khó khăn, vướng mắc để sớm có cơ chế tháo gỡ, không để ách tắc dự án.

Q.Anh


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo