Ngày 1-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết kỳ họp Quốc hội vừa qua, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận hội trường đã có 177 ý kiến tham gia vào dự thảo luật. Hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, đồng thời đề nghị dự thảo cần trao thêm quyền nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa cho Thủ đô.
Theo Chủ tịch Trần Sỹ Thanh, Luật Thủ đô năm 2012 là luật đi đầu, khai sinh ra cơ sở pháp lý riêng cho một đơn vị hành chính, trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác. Việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này có nhiều thuận lợi khi vừa kế thừa luật hiện hành, vừa tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương khác. Việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ là cơ sở bảo đảm pháp lý, bảo đảm nguồn lực để hướng đến khát vọng xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại.
Hiện TP Hà Nội đang xây dựng 2 quy hoạch lớn để trình Chính phủ, Quốc hội. Phần chính của quy hoạch đang làm rất công phu, bài bản và hiện đại. “Thành phố đã xin được khoản tài trợ bên ngoài, khoảng 3 triệu USD (khoảng 70 tỉ đồng) để mua toàn bộ ý tưởng về phát triển Thủ đô của công ty tư vấn hàng đầu thế giới rất am hiểu về Việt Nam” - người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội nói.
Thông tin về công tác phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết dự báo thành phố sẽ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 6,2%; dự kiến thu ngân sách khoảng 400 ngàn tỉ đồng trong năm 2023; các lĩnh vực về an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, quốc phòng-an ninh đều được bảo đảm và có những kết quả tích cực.
Trong năm qua, UBND TP Hà Nội đã phân cấp cho các địa phương 9 lĩnh vực; phân cấp 16 lĩnh vực cho các sở, ban, ngành với tổng số 708 thủ tục hành chính. “Trong quá trình thực hiện, thành phố rút ra 2 bài học. Một là, thấy đúng thì phải quyết tâm làm; hai là đã làm thì phải quyết liệt. Khi thực hiện phân cấp, ủy quyền thì rõ ràng công việc được sát sao hơn” - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu.
Về đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết năm 2024, Chính phủ giao TP Hà Nội chi đầu tư công số tiền là 80 ngàn tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2023 TP Hà Nội được giao 50 ngàn tỉ đồng, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhưng tiêu đầu tư công “rất vất vả”. “Sang năm với 80 ngàn tỉ đồng đấy mà người dân, cử tri không ủng hộ cho, không có sự đồng thuận chung của người dân, cán bộ như trong việc giải phóng mặt bằng các dự án… thì không tiêu nổi” - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu.
Đối với ý kiến cử tri băn khoăn về Luật Căn cước mới được Quốc hội thông qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định theo quy định của luật, thẻ căn cước công dân gắn chip hiện đang sử dụng hoàn toàn có giá trị cho đến khi hết hạn, không phải thực hiện cấp đổi lại, từ đó không gây lãng phí, phiền hà cho người dân.
Bình luận (0)