xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tấm lòng của người con Nam Bộ

VU GIA

90 tuổi đời, 71 tuổi Đảng, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt đầu 1996), Huân chương Hồ Chí Minh (1999), Nhà giáo Nhân dân - giáo sư Trần Văn Giàu vẫn còn say mê miệt mài làm việc. Một giải thưởng mang tên ông - Giải thưởng Trần Văn Giàu - vừa chính thức được thành lập và sẽ được trao vào tháng 9 hàng năm, bắt đầu từ năm 2002

LỜI NHẮN: Khi chia tay ra về, giáo sư Trần Văn Giàu cười vui vẻ dặn: “Chú còn trẻ phải gắng lên và qua Báo Người Lao Động chú nói giúp tôi với bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi rằng, sự nghiệp cách mạng và khoa học của ông Sáu là từ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, được Đảng giáo dục - đó là tinh thần, còn phần vật chất để có giải này cũng do chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Vừa qua, Hội đồng Khoa học Xã hội TPHCM công bố việc thành lập Giải thưởng khoa học mang tên Trần Văn Giàu và Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu gồm 4 thành viên (chủ tịch: nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng; 2 phó chủ tịch: nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám, GS Nguyễn Phan Quang và tổng thư ký: TS Nguyễn Văn Lịch). Theo nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, đây là lần đầu tiên ở nước ta có một giải thưởng khoa học có phần thưởng khá lớn (dự kiến khoảng 100 triệu đồng) được trao hằng năm do một cá nhân treo giải.

Ước mơ trở thành hiện thực.- Nhà giáo Nhân dân - giáo sư Trần Văn Giàu - tôi và bạn bè thân quen thường gọi là “ông Sáu” - ngừng bút tiếp tôi. Tuy đã bước vào tuổi 90 (sinh 1911), 71 tuổi Đảng, nhưng ông Sáu vẫn còn khang kiện. Ông chuyển cho tôi phần đầu tập bản thảo viết bằng bút bi trên giấy ca-rô, nói: “Đây là bản thảo tôi viết lại lần thứ tư”. Cầm tập bản thảo Luận về nguyên nhân suy vong và quật khởi của Việt Nam trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20, tôi thật sự xúc động - xúc động trước tấm lòng của người viết, trước sự cẩn trọng của nhà khoa học. Theo ông Sáu, đây là bản thảo cuối cùng trong đời ông. Miệng thì trách ông nói gở, mà lòng thì mong ông sớm hoàn thành ý nguyện. Đề tài này tôi đã được nghe ông nói qua vài lần nên phần nào hiểu được nỗi lòng của ông trước lịch sử hào hùng của dân tộc và trách nhiệm của người đang sống với hậu thế.

Làm sao để động viên, khuyến khích lớp trẻ tiếp tục có những suy nghĩ như thế và đúc rút thành cơ sở lý luận ? Sự trăn trở ấy đã lẩn quất trong ông suốt mười năm qua. Ước nguyện về một giải thưởng khoa học đóng góp vào nền văn hóa nước nhà, nhưng để có một giải thưởng như vậy phải nhất thiết có một quỹ bảo đảm, song ông nghèo quá. Ước nguyện vẫn mãi là ước nguyện. Gần đây, do chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với cách mạng, ông chuyển quyền sử dụng căn nhà cũ, theo luật pháp, để mua một ngôi nhà khác nhỏ hơn. Có số tiền dôi ra khá lớn, ông báo cáo với Thành ủy ý định thành lập giải thưởng. Thành ủy và UBND TPHCM sau khi báo cáo với Ban Bí thư Trung ương, hoan nghênh nhiệt tình khoa học của ông. Vậy là ước mơ ngày nào đã trở thành hiện thực - Giải thưởng Trần Văn Giàu được ra đời.

Từ nhà hoạt động cách mạng trở thành nhà khoa học.- Tên tuổi Trần Văn Giàu được “công khai hóa” trước quần chúng là thời điểm của Khởi nghĩa Tháng Tám (1945) giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ; đặc biệt là từ ngày lịch sử 23-9-1945, ông thay mặt Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ phát lời kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Là một người con Nam Bộ (Long An), 14 tuổi, Trần Văn Giàu lên Sài Gòn học tại Trường Chasseloup Laubat (nay là Trường PTTH Lê Quý Đôn) với hy vọng trở thành thầy thông, thầy ký. Nhưng rồi những bài diễn thuyết về cao vọng của thanh niên của Nguyễn An Ninh; những bài thuyết trình về dân chủ của Phan Châu Trinh... cùng những sách báo tiến bộ khác đã giúp cho chàng thanh niên Trần Văn Giàu thay đổi ý nghĩ. Ba năm sau (1928), Trần Văn Giàu được sang Pháp du học. Năm 1929, ông được bạn bè dìu dắt, giới thiệu vào Đảng Cộng sản Pháp. Nhưng năm 1930, sau cuộc biểu tình hưởng ứng khởi nghĩa Yên Bái, ông bị bắt ở Paris cùng 19 sinh viên khác rồi bị trục xuất về Sài Gòn. Đầu tháng 8-1930, ông được Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Ung Văn Khiêm giao góp sức lãnh đạo Hội Phản đế và Hội Học sinh. Ông làm việc này với đồng chí Phan Bôi và đồng chí Nguyễn Khoa Văn. Cả ba cùng nhau làm báo và giảng chính trị, giảng chủ nghĩa cộng sản sơ yếu cho lớp T.K (T: thanh niên, K: cộng sản) và được cử đi học ở Trường Đại học Đông Phương ở Liên Xô. Sau đó, bước chân chàng cộng sản trẻ tuổi Trần Văn Giàu đi khắp các nhà lao khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo, Tà Lài. Sự khủng bố của chế độ nhà tù thực dân Pháp không làm nhụt chí người cộng sản, và bước thay đổi lớn đời ông, từ một nhà hoạt động cách mạng trở thành một nhà khoa học là từ khi về chiến khu Việt Bắc (1949). Sau thời gian làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin, môi trường hoạt động của ông là các trường: Dự bị Đại học, Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Viện Sử học. Chính thời gian này, ông đã để lại những tác phẩm triết học và lịch sử đồ sộ, như: Vũ trụ quan, Biện chứng pháp, Duy vật lịch sử, Chống xâm lăng, Giai cấp công nhân Việt Nam, Lịch sử tư tưởng, Từ Cách mạng Tháng Mười đến Cách mạng Tháng Tám, Sự  khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam...

Tấm gương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và vì khoa học.- Khi hỏi về Giải thưởng Trần Văn Giàu, ông nói: “Trong thư gửi Thành ủy, tôi khoanh phạm vi nghiên cứu trên vùng đất mới, tức vùng đất xuất hiện trên bản đồ Đàng Trong cách nay 300 năm. Nói rộng ra, miền đất mới dù lùi xa hơn cũng không thể quá 500 năm, xét về sự có mặt của người Việt Nam”. Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cho biết thêm, đây chỉ là giải thưởng khu vực, đóng vai trò khiêm tốn trong hệ thống các giải thưởng quốc gia. Giải thưởng dành cho các công trình nghiên cứu lịch sử và lịch sử tư tưởng ở TPHCM, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh cực Nam Trung Bộ.

Về tên gọi của giải thưởng, theo nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, Hội đồng Khoa học Xã hội TPHCM cũng đã cân nhắc khá kỹ, dù trước đó giáo sư Trần Văn Giàu đã đề xuất một số tên gọi, như: Giải thưởng Võ Trường Toản, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng Trịnh Hoài Đức, Giải thưởng Hồ Huấn Nghiệp... Nhưng hội đồng nghĩ rằng, với đặc điểm và tư cách của người treo giải, giải cần mang một tên hiện đại hơn, và chọn tên “Giải thưởng Trần Văn Giàu” sau khi đã trình bày các lý lẽ với giáo sư Trần Văn Giàu. Giải thưởng này được trao vào tháng 9 hàng năm.

Sau khi công bố giải thưởng khoa học mang tên Trần Văn Giàu, nhiều người đã cho rằng, với cuộc đời và sự nghiệp của Nhà giáo Nhân dân - giáo sư Trần Văn Giàu, giải thưởng mang tên “Trần Văn Giàu” không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa động viên cho lớp trẻ học tập tấm gương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và vì khoa học. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nói: “Giải thưởng có khoanh vùng về mặt địa lý, nhưng mọi nhà khoa học trong cả nước đều được mời dự giải, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Trước mắt, quỹ của giải gồm số tiền đóng góp của cá nhân giáo sư Trần Văn Giàu, sau đó được bổ sung thêm bằng nhuận bút cùng các phần thưởng khoa học khác của giáo sư khi giáo sư qua đời. Quỹ giải thưởng cũng rất hoan nghênh sự đóng góp của các nhà hảo tâm, của các đơn vị kinh tế. Tất cả số tiền của quỹ này được gửi vào ngân hàng và dùng tiền lãi hàng năm để tặng thưởng. Tổng Thư ký Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu làm chủ trương mục, chịu trách nhiệm trước ủy ban, đặt dưới sự kiểm soát của Hội đồng Khoa học Xã hội TPHCM và thực hiện theo quy định kiểm toán của Nhà nước”.

Như lời nhắn của chính ông Sáu, sự nghiệp cách mạng và khoa học của ông từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ Đảng mà có. Vâng, nếu không có những điều kiện ấy, thì ngày nay chúng ta không có nhà cách mạng Trần Văn Giàu, không có Nhà giáo Nhân dân - giáo sư Trần Văn Giàu và càng không thể nào có “Giải thưởng Trần Văn Giàu”. Với tôi, đó cũng là tấm lòng của người con Nam Bộ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo