xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá như ở phường mình cũng có...

Nguyễn Lê Bách

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG.- Mạnh dạn làm việc có lợi cho dân. Thông thoáng thủ tục nhưng quản lý chặt chẽ. Bài “Cương Gián làm giàu nhờ xuất khẩu lao động” (của Đức Minh, đăng trên Báo NLĐ số 2200 ngày 29-8-2001) là một điểm sáng nổi trội trong bức tranh toàn cảnh về xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ta từ trước đến nay, với những số liệu và “người thực việc thực” có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Cảm nhận sâu sắc nhất của đông đảo bạn đọc không chỉ ở thu nhập bình quân tăng vọt của một xã vốn quá nghèo của đất Hà Tĩnh cằn cỗi, cũng không chỉ ở sự “đổi đời” của những người lao động nổi tiếng cần cù, chịu thương chịu khó của huyện Nghi Xuân, mà ở sự nhanh nhạy, linh hoạt của Đảng ủy, UBND xã Cương Gián đã sớm nắm bắt được tình hình và “xắn tay vào cuộc”. Nhờ những biện pháp cụ thể đó mà NLĐ của Cương Gián vay được tiền - không phải trông chờ “thông tư hướng dẫn” của ngành tài chính, cũng không bị ăn chặn tiền qua các “cò” và các khâu trung gian!

Việc gì có lợi cho dân thì làm

Một câu hỏi được nêu ra: “Đảng ủy và UBND xã làm như vậy có “lấn sân” ngành LĐ-TB-XH của xã, của huyện không? ”. Câu trả lời là “không”, hoàn toàn không. Lúc này mà còn loay hoay với “cơ chế”, “chức năng nhiệm vụ” một cách quan liêu, máy móc như vậy, thì chỉ có NLĐ là... lĩnh đủ! Rất cần khẳng định và biểu dương Đảng ủy, UBND xã Cương Gián đã không né tránh, hễ việc gì có lợi cho dân thì “lăn vào mà làm”. Nhìn lại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế... mà vừa qua, báo chí và người dân phát hiện được cả loạt các “công ty mẹ mìn”, lừa đảo NLĐ... Ngay lúc này đây, 21 NLĐ Việt Nam đang phải sống chui lủi, vất va vất vưởng ở tận Brazil (Báo NLĐ ngày thứ năm, 27-9-2001) và kêu cứu khẩn thiết, là một dẫn chứng. Giá như ở các thành phố này, các quận, các phường này cũng có được những Đảng ủy, UBND thực sự quan tâm đến việc xóa đói giảm nghèo, thực sự lăn vào việc như ở Cương Gián, không mắc vào cái bệnh “nói nhiều làm ít” như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nêu mới đây!

“Thà ít mà tốt”

Khẩu hiệu do Lênin đề ra từ thời Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là lời răn dạy đúng đắn đối với công việc của chúng ta hiện nay, nhất là trong việc XKLĐ. Cả nước ta –nếu không kể các “công ty ma” chuyên lừa đảo- hiện có tới 163 doanh nghiệp (DN) được cấp phép XKLĐ. Số lượng đó có quá nhiều không so với nhu cầu thực tế? Điều đáng nói là được thành lập đã hàng năm trời, nhưng hơn một nửa số Công ty, DN nói trên cho đến nay chưa ký được hợp đồng nào. Bên cạnh đó, còn cả một mớ “chi nhánh”, “văn phòng đại diện” mọc lên như nấm sau cơn mưa, mà trong nhiều trường hợp chỉ là “núp bóng” hoặc mượn danh một công ty nào đó mà thôi. Vậy thì việc hậu kiểm theo quy định của Luật Doanh nghiệp được thực thi ra sao? Chúng tôi rất hoan nghênh ý kiến của luật sư Bùi Anh Thủy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng lao động hợp tác quốc tế số 2 (CELTIC), người vừa thực hiện chuyến đi khảo sát thị trường và tình hình lao động VN tại Đài Loan, trả lời phỏng vấn của Báo NLĐ (số 2188 ngày 13-8-2001), nêu lên sự cần thiết phải “tiêu chuẩn hóa DN XKLĐ” cũng như cần “xử phạt về hành chính và kinh tế đối với tổ chức và cá nhân vi phạm”. Ông Thủy đã nêu những biện pháp, tiêu chí cụ thể như “tăng vốn pháp định, nộp quỹ bảo đảm” của công ty và các trường dạy nghề. Đó là những việc hết sức cấp thiết để góp phần chấn chỉnh tình trạng lộn xộn hiện nay. Nhưng (lại nhưng), đó mới là “dự án” và “đề án” để trình, bao giờ mới được thông qua, bao giờ mới có hiệu lực để thực thi?

Những giải pháp thúc đẩy XKLĐ

Xin góp thêm đôi điều để hy vọng đỡ phần khó khăn, vất vả của những NLĐ muốn đi XKLĐ:

- Thông thoáng nhưng không buông lỏng: XKLĐ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được khuyến khích và tạo nhiều thuận lợi trong việc thực hiện chủ trương đó. Tuy nhiên, hiện tượng “ngành ngành, bộ bộ” thi nhau XKLĐ... đã chứng tỏ một sự buông lỏng quản lý trong công việc này. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần thực hiện việc hậu kiểm một cách nghiêm túc, ráo riết, vì lợi ích của NLĐ và cũng vì sự thực hiện nghiêm chỉnh một chủ trương lớn của Nhà nước.

- Ai làm? Trách nhiệm hậu kiểm này, không ai khác hơn là Bộ LĐ-TB-XH, mà cụ thể là Cục Quản lý Lao động nước ngoài (QLLĐNN). Có trách nhiệm thì đồng thời phải có quyền hạn, vì cục là cơ quan cấp giấy phép nên phải có quyền xem xét rút giấy phép của những công ty không đủ tiêu chuẩn XKLĐ. Để thực hiện trách nhiệm to lớn đó, phải tăng cường số lượng và chất lượng bộ máy của cục, không nên quá cứng nhắc về định biên, về chỉ tiêu biên chế của cục.

Nên có sự phân cấp cả về trách nhiệm và quyền hạn. Nên chăng, Cục QLLĐNN quản lý các công ty trung ương, thuộc các bộ, các sở LĐ-TB-XH tỉnh, thành phố thì quản lý các công ty, DN, các chi nhánh... thuộc địa bàn mình; Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan chỉ đạo, ra những văn bản quy định, hướng dẫn việc hậu kiểm. Bên cạnh đó, cần sự “vào cuộc” của các cơ quan chức năng khác như: tài chính, kiểm toán, thanh tra Nhà nước, công an... phối hợp một cách chặt chẽ khi cần kiểm tra. Tại cơ sở, rất cần sự quan tâm của Đảng ủy, UBND - mà Cương Gián đã nêu lên một bài học hay.

- Những đường dây nóng: Lâu nay, nhiều vụ tiêu cực bê bối thường là do NLĐ phát hiện, trước cả các cơ quan chức năng. Ngoài việc cung cấp kịp thời những thông tin về XKLĐ tới người dân qua các phương tiện truyền thông, báo chí... rất cần có những đường dây nóng ở các cơ quan: Cục QLLĐNN, các sở LĐ-TB-XH. Những đường dây nóng này phải được trực ban một cách nghiêm túc, không thể làm chiếu lệ: người trực ban phải có danh sách các công ty, DN được phép XKLĐ, giải đáp được những thắc mắc của NLĐ về các loại phí, tiền đặt cọc... và cả những nghi ngờ của NLĐ về một chi nhánh nào đó. (Một chi tiết cần thiết là phải có ít nhất 2 số máy điện thoại, tránh tình trạng “máy bận một cách triền miên” làm nản lòng những NLĐ muốn gọi!). Cục và các sở cần có văn phòng tiếp NLĐ, thông báo địa chỉ rộng rãi và công khai. Các văn phòng này cần có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, dân phòng...nhằm chấm dứt nạn “cò” lảng vảng để “chặn đầu” những NLĐ tìm đến. Kinh nghiệm từ Cương Gián đã chỉ ra: Các thông tin cần thiết về XKLĐ rất nên được gửi tới từng xã (có thể niêm yết ở trụ sở Đảng ủy, UBND) và các công ty, DN phối hợp để về tận địa phương tuyển NLĐ. Mong rằng các công ty, DN đừng “ngại” sự tốn kém thêm chút ít này, bởi bù lại, các công ty, DN sẽ được sự bảo đảm của địa phương, của dòng họ... đối với NLĐ dự tuyển.

Trên đây là một đôi điều mà bản thân người viết đã tham gia và chứng kiến ở khu vực Trung Đông, mong được góp thêm vào những điều đã được giới thiệu trên Báo NLĐ, để những điểm sáng như Cương Gián ngày càng lan tỏa rộng hơn, nhiều hơn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo