C1 là cứ điểm trọng yếu cùng với A1 và C2 nằm sát gần nhau, địch tổ chức thành khu phòng ngự then chốt ở cửa ngõ phía Đông khu trung tâm Mường Thanh. Đợt tiến công thứ hai vào cứ điểm này là đợt dài ngày, gay go, ác liệt nhất. Trung đoàn 98 thuộc Đại đoàn 316 trong đó có đại đội “bộ binh pháo” của chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm C1.
Đánh chiếm đồi C1
Tham gia đánh cứ điểm này đại đội “bộ binh pháo” tức là pháo nhỏ đi cùng bộ binh của chúng tôi có 1 trung đội với 3 khẩu pháo không giật ĐKZ 57 ly và 3 trung đội với 9 khẩu cối 81 ly. Với hỏa lực đó, 3 khẩu pháo không giật đã được điều đến phối thuộc với tiểu đoàn bộ binh chủ công. Còn 9 khẩu cối 81 ly đã tổ chức thành trận địa hỏa lực bố trí trên hướng tiến công chủ yếu của trung đoàn. Trận địa bố trí gần, phạm vi quan sát rộng, nên từ đây với thế mạnh của loại pháo cối 81 ly đi sát bộ binh, chúng tôi có thể trực tiếp chi viện hỏa lực cho trung đoàn đánh C1, đánh C2 và khi cần có thể hiệp đồng chi viện hỏa lực cho đơn vị bạn chiến đấu ở A1.
17 giờ ngày 30-3-1954, giai đoạn tiến công thứ hai của chiến dịch bắt đầu. Pháo binh ta bất thần bắn mạnh vào sở chỉ huy Đờ - Cát, các cứ điểm A1, C1, D1 và đồi E, các trận địa pháo binh và quân cơ động của địch. Trên đồi C1 cùng với 30 trái đạn lựu pháo 105 ly của mặt trận và hàng trăm quả đạn cối 81 ly của đại đội tôi đã giáng đòn sấm sét vào quân địch, tạo điều kiện cho bộ binh của trung đoàn 98 nhanh chóng mở đột phá khẩu, xung phong tràn vào đánh địch, tiêu diệt và bắt sống 140 tên thuộc tiểu đoàn 1 lính Ma-rốc, chiếm được cứ điểm C1 sớm hơn 45 phút so với thời gian mà trung đoàn trưởng Vũ Lăng đã hứa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bắn “ôm nòng” - Sáng kiến tạo bạo
Trong khi đó ở A1 cuộc chiến đấu giữa ta và địch vẫn đang diễn ra rất gay go ác liệt. Ngày 19-4-1954 được lực lượng nhảy dù tăng cường, có pháo binh, xe tăng và máy bay yểm hộ, địch tiến hành phản kích lớn từ C2 ngược qua “yên ngựa” đánh sang nhằm chiếm lại C1. Đã dự kiến trước tình huống đó nên trung đoàn đã có phương án chủ động đánh trả địch ngay từ đầu rất quyết liệt. Riêng hỏa lực súng cối 81 ly của đại đội chúng tôi phải hoàn thành 2 nhiệm vụ: Một mặt phải bắn tập trung mãnh liệt vào khu “yên ngựa” phá vỡ đội hình phản kích của địch, cùng với hỏa lực các loại của pháo binh, bộ binh tạo thành một lá chắn lửa trước tiền duyên phòng ngự của ta. Mặt khác phải sẵn sàng khi có lệnh hoặc yêu cầu của bộ binh, kịp thời di chuyển hỏa lực bắn vào cột cờ trên đỉnh đồi C1 chế áp, tiêu diệt địch khi chúng đột nhập vào trung tâm phòng ngự của ta.
Nhiệm vụ thứ hai này nan giải nhất. Phải làm sao cản diệt được địch mà không sát thương quân ta khi cả ta và địch đều rất gần nhau, địa hình hẹp, giao thông hào chật và nông không cho phép chúng tôi đặt cả chân và bàn cối bắn theo bài bản.
Chính trong lúc đó, cách “bắn ôm nòng” của chúng tôi đã phát huy được tối đa tính ưu việt của hỏa lực cầu vồng diệt địch ở địa hình có nhiều “góc chết”. Bằng cách này, tôi đã cho 2 khẩu 81 ly lên C1 bỏ hết bàn và chân lại để một pháo thủ vai đỡ và tay ôm lấy nòng cho một pháo thủ khác bắn với góc gần 90 độ, phóng đạn vào đội hình địch, chỉ cách bộ binh ta khoảng trên dưới 100 m.
Bằng cách “ôm nòng” trên, sau hai ngày khi trận địa cơ bản đã phát huy được hết thế mạnh, đại đội “bộ binh pháo” chúng tôi cùng với lựu pháo đã kịp thời chi viện rất hiệu quả cho bộ binh tiêu diệt nhiều sinh lực địch và đánh bại nhiều cuộc phản kích của chúng vào cứ điểm C1 mà ta đã làm chủ.
Tiết kiệm từng viên đạn
Trong những ngày đầu đánh địch phản kích, cũng đã có lần địch vào được trung tâm phòng ngự của ta và chiếm lại được cột cờ trên đỉnh đồi C1. Trong những hợp như vậy nhiều trận đánh giáp lá cà xảy ra rất ác liệt. Ta và địch quần nhau giành giật từng tấc đất, từng ụ súng, từng mét chiến hào. Có lúc bộ binh yêu cầu súng cối của chúng tôi bắn ngay vào cột cờ, nơi đó địch bố trí một khẩu đại liên rất lợi hại. Cột cờ cũng là cái mốc phân chia giới hạn: Địch chiếm một nửa đồi cao, ta chiếm một nửa đồi phía thấp, và cũng là một vật chuẩn cho hỏa lực pháo binh, súng cối. Theo lệnh của trung đoàn, đại đội chúng tôi phải vừa chế áp tiêu diệt địch ở khu vực cột cờ vừa phải bảo đảm an toàn cho bộ binh. Đại đội dùng 3 khẩu bắn tiếp tục vào “yên ngựa”, còn tập trung 6 khẩu 81 ly bắn tập trung đồng loạt cả 6 khẩu, sau đó bắn từng khẩu một từ cột cờ lên phía cao cứ điểm để duy trì lúc nào cũng có tiếng nổ cối 81 để chế áp và tiêu diệt địch. Sau loạt đạn đầu và những đợt bắn tiếp theo nhờ có quan sát mắt hiệu chỉnh nên đại bộ phận đạn rơi trúng mục tiêu và bảo đảm an toàn cho bộ binh ta. Sở dĩ chúng tôi làm được như vậy là do cột cờ vật chuẩn đã qua nhiều lần bắn thử và bắn thật có phần tử rất chính xác và rất “tinh mật” cả về cự ly và về hướng.
Việc tiết kiệm đạn pháo là rất nghiêm ngặt. Bộ chỉ huy mặt trận quy định rất cụ thể: Cục trưởng cục tác chiến mặt trận được phép ra lệnh bắn 10 viên, đại đoàn trưởng được ra lệnh bắn 3 viên... Đạn cối 81 ly của đại đội tôi là do cấp trên cấp. Nhưng trong đợt tiến công này có đến gần 30% số đạn của đại đội là do chúng tôi hoặc do đơn vị bạn đoạt được từ những chiếc dù đạn của địch thả lạc vào trận địa của ta. Có lẽ nắm chắc được vấn đề này nên trung đoàn trưởng mới “nới” tay như vậy. Và với cách đánh quả cảm, sáng tạo, đại đội “bộ binh pháo” chúng tôi cùng các đơn vị phối thuộc đã chiến thắng trong 31 ngày đêm trên đồi C1.
Bình luận (0)