Tôn chỉ và mục đích trên của CĐ nói lên tính quần chúng rộng rãi và tính chất giai cấp công nhân của CĐ Việt Nam. Trong những năm qua, CĐ trong cả nước, trong đó có CĐ TPHCM, đã từ chỗ tìm cách thích ứng với ban đầu đổi mới đến chủ động đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng từng bước yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của môi trường hoạt động CĐ trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nét nổi bật của hoạt động CĐ TPHCM là đã tập hợp được đông đảo công nhân, lao động (CN-LĐ), đặc biệt là CN-LĐ ngoài quốc doanh vào tổ chức CĐ, chiếm tỉ lệ cao nhất cả nước; chăm lo đời sống và tham gia đấu tranh bảo đảm thực hiện các quyền lợi cụ thể của NLĐ; góp phần giữ vững lòng tin và ổn định về chính trị của đội ngũ CN-LĐ TP. Hoạt động xã hội được mở rộng và phổ cập theo phương châm: “Chính trị là định hướng, xã hội là nội dung hoạt động chủ yếu của CĐ”.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, về xây dựng tổ chức thì việc phát triển về số lượng chưa được đồng thời nâng cao về chất lượng của tổ chức; và về hoạt động, tuy đã có những đổi mới, nhưng chất lượng hoạt động chưa đáp ứng được đòi hỏi bức thiết, chính đáng của đoàn viên, CN-LĐ, chưa ngang tầm của một tổ chức CĐ cách mạng được Đảng trực tiếp lãnh đạo, được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba yếu kém, hạn chế chủ yếu dưới đây đã và đang ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của tổ chức CĐ.
1- Khu vực ngoài quốc doanh là nơi đội ngũ CN-LĐ tăng lên đột biến với ngành nghề, cơ cấu, trình độ nghề nghiệp và tác phong lao động, ý thức chính trị đang rất bất cập; nhưng tổ chức và hoạt động CĐ ở khu vực này lại đang yếu nhất, lúng túng nhất. Một số mô hình tổ chức và hoạt động được đưa ra trao đổi học tập, nhìn chung vẫn là nhờ vào điều kiện khách quan thuận lợi, vào thiện chí của doanh nghiệp và người sử dụng lao động, tính đại diện và phổ biến chung còn hạn chế.
2- Vai trò đại diện và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ mới thể hiện rõ ở khu vực Nhà nước và những đơn vị có điều kiện thuận lợi trong khu vực ngoài quốc doanh. Còn nói chung, vai trò này còn đang là đòi hỏi nóng bỏng của NLĐ và nỗi trăn trở của cán bộ CĐ; kể cả những quyền lợi cụ thể được quy định bằng luật pháp, bằng chế độ lao động, CĐ tại chỗ không nắm được, nhất là không phát huy được tác dụng, dẫn đến đình công của công nhân mỗi năm một tăng và xảy ra trong tất cả các thành phần kinh tế mà CĐ đều không biết trước và không qua tổ chức CĐ. Chính vì yếu kém cơ bản này, cùng với cách giáo dục chính trị - tư tưởng và sinh hoạt CĐ chưa được đổi mới phù hợp với điều kiện làm việc, ăn ở và sinh hoạt của CN-LĐ, nên sự liên kết đoàn viên, lao động với tổ chức CĐ chưa tốt.
3- Cán bộ CĐ vẫn đang là khâu yếu nhất. Nhìn chung, phần lớn cán bộ được đào tạo cơ bản, có kiến thức và trình độ công tác tập trung ở các cơ quan CĐ từ cấp trên cơ sở trở lên và một số rất ít cơ sở lớn. Còn trên 90% cơ sở vừa và nhỏ, đặc biệt trong khu vực ngoài quốc doanh, thì cán bộ CĐ chủ chốt ở đó, vẫn đang trong tình trạng thụ động, chắp vá, bị o ép từ nhiều phía (người sử dụng lao động và NLĐ), rất khó khăn về điều kiện, phương tiện và thời gian hoạt động. Nên dù muốn, họ vẫn khó nêu cao bản lĩnh, phát huy nhiệt tình của người thủ lĩnh CĐ cơ sở.
Do vậy, để CĐ thật sự là tổ chức rộng rãi nhưng chặt chẽ của giai cấp công nhân, rất cần có những giải pháp cơ bản, đồng bộ và khả thi để nhân rộng mặt đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém chủ yếu nêu trên. Về đội ngũ cán bộ CĐ, dù đã đầu tư không ít tiền của, công sức cho đào tạo, nhưng chủ yếu mới đáp ứng cho bộ máy CĐ cấp trên cơ sở. Còn cán bộ CĐ cơ sở thì không thể đào tạo chính quy, tập trung, dài ngày; bởi trên 90% cán bộ CĐ cơ sở là kiêm nhiệm (tức việc chuyên môn là chính) và trên 50% số chủ tịch CĐ cơ sở là mới sau mỗi nhiệm kỳ đại hội. Vì vậy, chủ tịch CĐ cơ sở và cán bộ CĐ cơ sở nói chung “phải được lựa chọn từ những người ưu tú trong phong trào, có năng lực và có uy tín với quần chúng” (NQTU8b). Tốt nhất và khả thi nhất là đào tạo ngắn ngày, bồi dưỡng nâng cao những kiến thức còn hổng, còn yếu và tự bồi dưỡng qua việc thường xuyên tự rút kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm hoạt động do cấp trên tổ chức.
Bình luận (0)