xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bạn của người nghèo

Bài và ảnh: THANH NGA

Vươn lên từ tay trắng, chị Mousa Azi Jah không ngần ngại giúp đỡ, tạo công ăn việc làm ổn định cho người trong cộng đồng

Những ngày này, cơ sở may trang phục truyền thống dân tộc Chăm của chị Moussa Azi Jah (còn gọi là Pha La) trên đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP HCM hết sức nhộn nhịp. Từ sáng đến tối mịt, nhân công của cơ sở tận dụng tối đa thời gian để kịp giao hàng cho khách. “Đã qua đợt cao điểm nhưng đơn hàng từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn còn nhiều. Do vậy, mọi người đều tận lực làm việc” - chị Pha La cho biết.

Theo đuổi nghề truyền thống

38 tuổi, cuộc sống của chị Pha La đã trải qua nhiều thăng trầm. Chị sinh ra và lớn lên ở TP HCM trong một gia đình làm nghề buôn bán nhỏ. Năm Pha La học lớp 8, công việc buôn bán của gia đình xuống dốc rồi bị vỡ nợ do khách hàng thất tín. Khó khăn chồng chất, chị quyết định nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ bán quần áo.
img
Chị Pha La kiểm tra lại sản phẩm may thử

Tiếp xúc với vải vóc hằng ngày nên Pha La bắt đầu yêu thích công việc may vá, rồi xin đi học may tại một cơ sở tư nhân gần nhà. Năm 1995, chị xin vào làm công nhân (CN) tại Công ty Rạng Đông (quận 3, TP HCM). Pha La làm được khoảng 3 năm thì công ty di dời về quận 12. Nơi làm mới quá xa trong khi tiền lương eo hẹp, không đủ chi phí đi lại nên chỉ làm thêm được một thời gian ngắn, chị đành nghỉ việc.

Với số vốn ít ỏi tích cóp được, Pha La quyết định mở tiệm may nhỏ để sinh nhai. Phát hiện nhu cầu trang phục của cộng đồng người Chăm khá cao, chị quyết định chuyển sang may quần áo truyền thống. “Từ nhỏ đã mặc trang phục truyền thống của người Chăm nên tôi rất thích. Quyết định mở tiệm chuyên may trang phục truyền thống, tôi đã lường trước được khó khăn khi tự thu hẹp khách hàng nhưng vẫn quyết chí làm” - chị giải thích.

Khác với những lo lắng ban đầu, bằng sự khéo léo và yêu nghề, Pha La được khách hàng yêu mến và biết đến nhiều hơn chỉ sau vài năm. Không chỉ cộng đồng người Chăm sống ở TP HCM, nhiều khách hàng ở tỉnh xa cũng tìm đến chị để đặt hàng.

Bước ngoặt lớn là năm 2004, Pha La được người bạn mời sang Malaysia tham quan. Ba tháng ở Malaysia, chị phát hiện nhiều điểm tương đồng trong cách ăn mặc của người Malaysia và người Chăm. Trong đầu chị chợt lóe lên một ý tưởng táo bạo: Mở rộng khách hàng đến đất nước có đông người Hồi giáo này.

Nghĩ là làm, sau khi về nước, Pha La vay vốn làm ăn, đem những kiến thức đã học được áp dụng vào thực tế rồi thông qua những người Chăm sống ở Malaysia, nhất là người làm nghề buôn bán, để tìm kiếm khách hàng. Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng từ Malaysia.

“Ở những đơn hàng đầu tiên, trừ chi phí nguyên liệu, phí vận chuyển, lợi nhuận còn rất ít nhưng tôi vẫn cảm thấy vui sướng vì ít ra, sản phẩm của cơ sở đã vươn tới thị trường nước ngoài. Đây cũng là bước đệm giúp tôi tạo uy tín với khách hàng” - chị kể lại.

Kiên trì thuyết phục khách hàng bằng uy tín, mẫu mã và chất lượng sản phẩm, những đơn hàng từ nước ngoài cho cơ sở ngày càng nhiều, có khi lên đến vài ngàn bộ. Xưởng may ngày càng được mở rộng, đem đến cho Pha La và hơn 20 thợ may khác thu nhập ổn định. Với những nỗ lực ấy, mới đây, chị đã vinh dự nhận được bằng khen tuyên dương “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” của UBND TP HCM.

Sống vì cộng đồng

Trải qua những thăng trầm, phải nỗ lực không ngừng để có được ngày hôm nay nên Pha La rất hiểu và thông cảm cho những phụ nữ có hoàn cảnh giống mình. Bà con nơi khu phố Pha La ở không chỉ thán phục nghị lực vươn lên mà còn nể trọng cách cư xử của chị với người nghèo.

Ngay từ những ngày còn gian khó, khi quy mô tiệm may còn nhỏ với một chiếc máy may, Pha La đã sẵn sàng chia sẻ khách hàng với bà con lối xóm. Khi cơ sở may có chỗ đứng và được khách hàng các nước chú ý, chị thuyết phục bà con (chủ yếu là người Kinh) cùng thành lập cơ sở may.

Đến nay, cơ sở may của chị có 25 thợ chính với thu nhập ổn định ở mức bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Chị còn tạo việc làm cho trên 10 thợ phụ là người Chăm, chuyên làm công việc kết cườm, kết nút áo, vào bao áo… “Thợ ở cơ sở được Pha La đối xử như người nhà, luôn sẵn lòng truyền nghề và san sẻ khó khăn” - chị Joa Wa Rj Gjá (quê An Giang), một thợ may tại cơ sở, nhận xét.

May trang phục truyền thống, chi phí ban đầu khá lớn trong khi tiền vốn chưa nhiều nên đối với những đơn hàng lớn, Pha La thường phải cân nhắc. Khi nhận những mẫu thiết kế mới từ khách hàng, chị bỏ công nghiên cứu kỹ rồi đích thân may thử để hoàn thiện sản phẩm. Nếu khách hàng chấp thuận, chị mới đưa cho thợ làm đại trà để giữ uy tín.

Sự chỉn chu trong cách nghĩ và cách làm ấy của Pha La đã giúp hàng hóa ít bị lỗi mà tay nghề của thợ cũng được nâng lên. Sự trưởng thành của thợ cũng là hạnh phúc của chị.

“Mong muốn lớn nhất của tôi là có thêm vốn để mở rộng cơ sở sản xuất và tạo thêm việc làm cho chị em nghèo, nhất là người Chăm. Tôi hy vọng ngày càng có thêm nhiều người Chăm phát triển nghề may trang phục truyền thống. Đó là một trong những cách giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc” - chị Pha La tâm sự


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo