Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động - Tiền lương Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng tiền lương tối thiểu (LTT) vùng liên tục được điều chỉnh hằng năm từ năm 2009 đến nay song vẫn còn nhiều tồn tại, chưa đáp ứng được xu thế toàn cầu hóa và quá trình hội nhập của đất nước nên cần có sự điều chỉnh phù hợp.
Theo đó, tiền LTT đã được luật hóa nhưng chưa cụ thể, chưa thể hiện đúng vai trò, chức năng; vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động; các nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương khi điều chỉnh LTT không khuyến khích trả lương theo công việc, dẫn đến tình trạng DN không muốn sử dụng lao động lâu năm khi phải tăng chi phí khác…
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo
Dù còn nhiều hạn chế nhưng đại diện Bộ LĐ-TB-XH khẳng định vẫn phải tiếp tục duy trì LTT để bảo vệ người lao động yếu thế và điều tiết thị trường lao động, hướng tới mục tiêu phát triển lành mạnh của quốc gia, giảm thất nghiệp và duy trì tỉ lệ có việc làm cao. Chính sách tiền lương sắp tới dự kiến sẽ được cải cách theo hướng nhà nước công bố mức LTT, cung cấp thông tin thị trường lao động; thông tin tiền lương theo nghề, lĩnh vực để DN và người lao động tự thương lượng, thỏa thuận; DN được tự chủ quyết định thang, bảng lương. Chính sách tiền LTT cũng quy định rõ tiền lương trong tổng các khoản thu nhập mà người lao động nhận được để bảo đảm các khoản đóng góp cho an sinh xã hội; quy định các biện pháp chế tài đủ mạnh để bảo đảm việc thực thi mức LTT…
Phát biểu tại hội thảo, đa số ý kiến đại biểu đều đồng tình với việc tiếp tục duy trì LTT vùng và những đề xuất cải cách. Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại cách định nghĩa tiền LTT; xem xét lại việc có nên điều chỉnh lương mỗi năm 1 lần; các quy định về tiền lương cần cụ thể, dễ hiểu để DN dễ thực hiện…
Bình luận (0)