Nỗi lo cơm áo gạo tiền triền miên cùng với những thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng tâm lý về hôn nhân, gia đình của người trong cuộc khiến tổ ấm công nhân (CN) dễ lung lay, rạn nứt...
Hạnh phúc mong manh
Sau gần hai năm tìm hiểu, yêu đương, Mai Hoa, quê Hải Dương và Tuấn Hùng, quê Thanh Hóa (cùng là CN trong KCN Sài Đồng) chính thức nên duyên chồng vợ trong niềm mừng vui, chúc phúc của hai bên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Họ thuê một căn phòng trọ nhỏ, sống đầm ấm với cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”.
Nhưng rồi, hạnh phúc ngắn “chẳng tày gang”, đúng lúc Hoa sinh con đầu lòng thì công việc của hai vợ chồng, nhất là Hùng- người trụ cột gia đình- lại gặp khó. Công ty ít đơn hàng, Hùng và nhiều công nhân khác chỉ làm việc cầm chừng, hưởng 70% lương. “Khi hai vợ chồng còn son rỗi, đã phải ăn bữa trước lo bữa sau, giờ thêm một đứa trẻ ra đời, tốn kém thêm bao nhiêu thứ mà thu nhập lại giảm.
Em mới sinh sức khỏe yếu, mà không dám nghĩ tới ăn uống bồi bổ, nên sớm mất sữa, mà tiền không có nên phải vay mượn để mua sữa ngoài cho con. Em giục anh ấy đi kiếm việc làm thêm, thì anh ấy bực dọc, cáu gắt, bảo em sao không tìm chỗ giàu có, sung sướng hơn mà lấy” Hoa sụt sùi kể.
Còn Hùng, cũng không nén được bức xúc: “Để vợ con nghèo khổ thiếu thốn như vậy, em cũng buồn, suy nghĩ lắm chứ. Nhưng tìm việc làm thêm đâu có dễ, buôn bán thì không có vốn, làm thuê làm mướn thì còn tính toán sao cho phù hợp với giờ giấc, thời gian ở công ty chính, vì em đã nghỉ việc hẳn đâu. Cô ấy không thông cảm, chia sẻ mà cứ cằn nhằn tối ngày”. Cũng theo Hùng, vì nghe vợ cằn nhằn quá nhiều, nên nhiều hôm anh không muốn về nhà mà bỏ đi theo bạn bè uống rượu giải sầu “Cứ đà này, em sẽ trở thành kẻ nát rượu mất”- Hùng nói. Còn Hoa thì nước mắt lưng tròng: “Em không thể chịu nổi anh ấy nữa, em sẽ mang con về quê với bà ngoại, mặc anh ấy muốn làm sao thì làm”...
Bi kịch hơn gia đình Hoa là câu chuyện của Thu Nga (quê Nghệ An, CN KCN Bắc Thăng Long). Vốn dịu hiền, xinh đẹp, Thu Nga được không ít chàng trai để ý, nhưng cô chỉ “chấm” con trai bà chủ nhà nơi cô thuê trọ. Họ yêu, rồi cưới nhau, hạnh phúc tưởng như đã mỉm cười. Thế rồi, do công việc chia ca kíp, Nga thường xuyên phải đi sớm về muộn, thậm chí đi làm ban đêm, việc nhà cửa cô không thể chu toàn, khiến quan hệ mẹ chồng- nàng dâu vốn đã xa cách càng thêm nặng nề căng thẳng. Cùng với đó, những dư luận, định kiến của họ hàng, làng xóm về việc trai thành thị, lấy gái thôn quê, người trí thức lại lấy công nhân... khiến hạnh phúc đôi trẻ dần rạn nứt.
Từ một chàng trai hiền lành, yêu thương vợ, chồng Nga trở nên lầm lì, cục tính, nhất nhất nghe lời mẹ, hắt hủi vợ. Cho tới khi Nga lần lượt sinh hạ hai cô con gái, thì như lửa đổ thêm dầu, mẹ chồng Nga nhất mực xúi con trai bỏ vợ, còn chồng Nga nghe lời mẹ cũng nhất mực đâm đơn ly dị. Níu kéo mãi chẳng được, Nga đành chấp nhận chia tay, một thân một mình vừa đi làm ở khu công nghiệp vừa vất vả nuôi con.
Công đoàn giúp tổ ấm CN bớt chênh vênh
Theo các chuyên gia xã hội học, một bộ phận gia đình CN, đặc biệt là các đôi vợ chồng trẻ dễ rạn nứt do không giải được cái khó trong bài toán chi tiêu với đồng lương hạn hẹp, nhu cầu bản thân phải cắt giảm nhiều.
Thêm vào đó, những căng thẳng, bức bối nội tâm, cộng với suy nghĩ yếm thế không được giải tỏa do thiếu sự trợ giúp về mặt kiến thức và kỹ năng chăm sóc đời sống tinh thần cũng dễ gây ra sự rạn nứt, thậm chí là bạo lực trong gia đình công nhân. Để tổ ấm gia đình CN bớt chênh vênh, rất cần sự tiếp sức từ nhiều phía: người hoạch định chính sách, người sử dụng lao động, cơ quan chức năng, đoàn thể xã hội, nhà chuyên môn.
Với quan điểm “Gia đình là nền tảng của xã hội”, trong những năm qua, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã rất quan tâm tới công tác xây dựng gia đình văn hóa trong toàn thể CNVCLĐ nói chung, trong đó đội ngũ CN. Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cho biết, hàng năm, dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, các cấp CĐ Thủ đô đã có nhiều hoạt động thiết thực như: tuyên truyền các chủ trương, các chỉ thị nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác xây gia đình văn hóa trong CNVC-LĐ; tổ chức các hội nghị tọa đàm về xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, mời báo cáo viên nói chuyện về hạnh phúc gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH Thủ đô, đất nước, về vai trò người chồng, người cha trong gia đình…qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nam CNVC-LĐ trong việc chia sẻ công việc gia đình.
Các phong trào thi đua lao động giỏi, nữ CNVC-LĐ giỏi việc nước đảm việc nhà, mẹ lao động giỏi con học giỏi được phát động sâu rộng đã động viên, khích lệ nữ CNVC-LĐ vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đồng thời chăm lo gia đình, nuôi dạy con khỏe, ngoan, học giỏi.
Thiết thực hơn, các cấp CĐ Thủ đô thường xuyên chú trọng việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đảm bảo về việc làm, thu nhập, tiền lương, thưởng, các chế độ chính sách đối với người lao động, là cơ sở đảm bảo cho mỗi gia đình CNVC-LĐ có được tiêu chí ổn định, phát triển bền vững. LĐLĐ Thành phố cũng xúc tiến các hoạt động cho nữ CNVC-LĐ vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình từ nhiều nguồn khác nhau, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn.
Thông qua các nguồn quỹ xã hội do CNVC-LĐ Thủ đô đóng góp, LĐLĐ Thành phố và các cấp CĐ Thủ đô còn đẩy mạnh các hoạt động xã hội, kịp thời trợ giúp CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Thông qua những hoạt động cụ thể, tổ chức CĐ đã góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần và vật chất của đội ngũ CNVC-LĐ. Hy vọng những hoạt động thiết thực của tổ chức CĐ cùng sự quan tâm chăm lo của doanh nghiệp, sự chung tay của xã hội sẽ giúp mỗi CNVC-LĐ có động lực để giữ lửa, xây dựng mái ấm thêm vững chắc.
Bình luận (0)