Ba năm từ Nhật trở về, hành trang của các thực tập sinh (TTS) là vốn tiếng Nhật, tác phong chuyên nghiệp, tay nghề cao. Tuy nhiên, với việc không có một chính sách, chiến lược nào sử dụng nguồn lao động này cộng với việc thu nhập không tương xứng, nguồn việc làm hạn hẹp, kênh kết nối chưa đồng bộ đã đẩy lực lượng lao động có tay nghề này đứng trước nguy cơ thất nghiệp rất cao.
Khó khăn tìm việc
Vừa từ Nhật trở về, chị Chu Vũ Thúy Anh (27 tuổi, quê Cần Thơ) cho biết theo học ngành kế toán bậc cao đẳng nhưng khi sang Nhật làm TTS, chị làm công nhân đóng gói thực phẩm, kiểm tra hàng hóa.
Theo chị Thúy Anh, tất cả TTS từ Nhật trở về đều có 2 ưu điểm nổi trội là khả năng sử dụng tiếng Nhật tốt và tác phong làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, kỷ luật cũng như năng suất lao động khá cao. Tuy nhiên, sau 3 năm trở về, các TTS như chị lại khó khăn khi xin việc làm tại quê nhà. "Vừa về Việt Nam là tôi đi nộp hồ sơ xin việc ngay, nộp nhiều công ty và gần 5 tháng sau tôi mới nhận được lời mời phỏng vấn vị trí nhân viên sản xuất khuôn ép của một doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Vượt qua vòng phỏng vấn bằng tiếng Nhật nhưng tôi lại không vượt qua phần thi vận hành trực tiếp trên máy tính. Tôi rất thất vọng nhưng xem đó là bài học kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân, đặc biệt là khả năng sử dụng, thao tác trên máy tính" - chị Thúy Anh nói.
Còn anh Nguyễn Văn Đan (28 tuổi, quê Vĩnh Long) thừa nhận khá khó khăn khi tìm kiếm việc làm phù hợp với lĩnh vực mà mình đã thành thạo trong 3 năm làm TTS ở Nhật, đó là nghề xây dựng nhà gỗ. "TTS làm về bê-tông, cốt-pha, giàn giáo… về nước chắc sẽ có nhiều cơ hội việc làm so với công việc xây dựng nhà gỗ của tôi. Trong nước, tôi có tìm nhưng chưa thấy công ty nào hoạt động trong lĩnh vực này và điều đó đã thu hẹp cơ hội việc làm của tôi. Tôi chỉ mong tìm được công việc phù hợp và tận dụng được vốn ngoại ngữ sẵn có với mức lương từ 8 triệu đồng/tháng" - anh Đan bộc bạch. Anh Đan cho biết đã tham gia vài sàn giao dịch việc làm dành cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước đúng hạn nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Hiện anh vẫn loay hoay tìm kiếm công việc từ nhiều nguồn khác nhau như tự giới thiệu trên các website tuyển dụng, đọc báo, tìm kiếm trên mạng...
Lớp quản lý sản xuất cho lao động từ Nhật trở về được tổ chức tại Công ty TNHH Esuhai. Ảnh: GIANG NAM
Giải quyết việc làm không khó
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, cho rằng với lực lượng lao động từ Nhật trở về, cần có chiến lược sử dụng để phát huy tối đa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ý nghĩa cốt lõi của chương trình TTS mà Nhật Bản đề ra là đào tạo, nâng cao tay nghề cho thanh niên nước ngoài để họ trở về xây dựng quê hương. Do đó, lực lượng TTS trở về cần phải được chào đón, tạo cơ hội tối đa để các em phát huy hết những gì mình đã học tập, rèn luyện tại Nhật. "Nếu Chính phủ biết tận dụng nguồn nhân lực này, tôi tin chắc họ sẽ đóng góp rất đáng kể vào tăng năng suất lao động, nâng cao tay nghề cho công nhân kỹ thuật trong một số ngành có TTS tham gia. Tôi đánh giá rất cao các bạn TTS, kỹ sư trở về từ Nhật bởi đây là đội ngũ lao động chất lượng cao, cần thiết cho đất nước. Sử dụng hiệu quả đội ngũ lao động này là một lực đẩy rất lớn cho nền sản xuất" - ông Sơn bày tỏ.
Trước khi chờ Chính phủ có chiến lược sử dụng lực lượng lao động có chất lượng này, bản thân ông Sơn đã cố gắng tận dụng những gì mình đang có để giúp hàng ngàn TTS từ Nhật Bản trở về có việc làm ổn định, thậm chí nhiều người còn khởi nghiệp thành công từ cái nôi của Công ty TNHH Esuhai. Đầu tiên, Công ty TNHH Esuhai đưa vào sử dụng trang việc làm Nhật để các bạn TTS trở về có thể lên đó tạo hồ sơ, tìm kiếm nhà tuyển dụng, thậm chí là để các bạn hoàn thiện hơn về hồ sơ, kỹ năng... Trang việc làm Nhật kết nối với hàng ngàn nhà tuyển dụng Nhật đang hoạt động trên khắp Việt Nam để họ đăng tuyển qua website này. Các doanh nghiệp Nhật khi kết nối với việc làm Nhật sẽ được tiếp cận ngân hàng hồ sơ hoàn chỉnh với hơn 6.000 ứng viên có trình độ tiếng Nhật N3, N2, N1 là TTS về nước, du học sinh, kỹ sư có kinh nghiệm học tập và làm việc tại Nhật. Định kỳ hằng quý, Công ty TNHH Esuhai còn tổ chức các sàn giao dịch việc làm Nhật để kết nối các TTS về nước với nhà tuyển dụng Nhật. Đây là cơ hội tốt để các TTS tìm hiểu và phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng phù hợp với công việc mà mình đã làm tại Nhật.
Tận dụng chất xám thực tập sinh
Nhận thấy việc nhiều kỹ sư, TTS về nước có tay nghề và trình độ cao mong muốn làm việc ở những vị trí quản lý, giám sát, vận hành... trong các công ty Nhật tại Việt Nam nhưng khó tiếp cận, Công ty TNHH Esuhai mở các lớp đào tạo quản lý sản xuất. "Tham gia các lớp học này, học viên được dạy cách thức quản trị, quản lý vận hành quy trình sản xuất theo chuẩn của Nhật. Sau đó, học viên được đưa đi tham quan thực tế tại nhà máy của Nhật để làm quen với các quy trình sản xuất. Trong các chuyến đi thực tế này, nếu doanh nghiệp đó đang cần người thì chúng tôi sẽ kết nối để doanh nghiệp phỏng vấn ứng tuyển trực tiếp, nhận việc trực tiếp" - ông Sơn thông tin.
Bình luận (0)