Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình lạm phát tăng cao ở các nước trên thế giới, những tháng qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM và các tỉnh lân cận rơi vào tình trạng sụt giảm đơn hàng trầm trọng, thị trường xuất khẩu hàng hóa chững lại dẫn đến thiếu việc làm. Đứng trước tình thế phải tái cấu trúc DN và khả năng cắt giảm lao động, một số DN đã chủ động phối hợp với Công đoàn đưa ra giải pháp tối ưu để vừa duy trì được sản xuất vừa giữ việc làm cho số đông công nhân (CN).
Không để công nhân mất việc
Tại Công ty CP Taekwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), từ tháng 7-2022, khi đơn hàng giảm mạnh, ban giám đốc buộc phải tính đến phương án tái cấu trúc sản xuất, sắp xếp lại lao động.
Hiểu khó khăn của DN, với mong muốn bất cứ CN nào trong số 36.000 CN phải mất việc, Công đoàn công ty đã đề xuất phương án sắp xếp lại thời gian làm việc cùng các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) để bù vào khoản thu nhập bị giảm sút. Theo đó, từ tháng 8 đến hết năm 2022, mỗi tháng, NLĐ sẽ nghỉ chờ việc từ 2-3 ngày và được hưởng lương tối thiểu vùng trong những ngày nghỉ. Phương án này không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của NLĐ trong khi DN vẫn bảo đảm nhân lực sản xuất. Trong những ngày CN được nghỉ, Công đoàn đứng ra tổ chức nhiều sân chơi về văn hóa, thể dục thể thao, tạo không gian giải trí, giảm căng thẳng cho cho NLĐ.
Đầu tư vào thị trường nội địa là hướng đi mới của Công ty CP Hợp tác và Phát triển kinh tế Savimex (quận 12, TP HCM) nhằm ổn định việc làm, thu nhập cho công nhân. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Ngoài ra, Công đoàn công ty cũng thường xuyên gửi tặng nhu yếu phẩm cho NLĐ và tặng thêm sữa cho con của họ. Số lượng CN khó khăn được chăm lo hằng tháng khoảng 400 người, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người. Chi phí cho các hoạt động trên ngoài nguồn kinh phí Công đoàn còn có sự hỗ trợ từ phía ban giám đốc. "Hiểu được những nỗ lực của DN và Công đoàn công ty nên hầu hết CN đều sẵn lòng san sẻ, đồng cam cộng khổ, đồng hành với DN" - ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết.
Tại Công ty TNHH Hariki Precision Việt Nam (gia công cơ khí; đóng tại KCN Việt Nam - Singapore I, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), dù đơn hàng sụt giảm trầm trọng nhưng NLĐ vẫn được bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định. Hướng xử lý của công ty rất đơn giản, đó là CN ở các bộ phận không có hàng thì sẽ được điều động làm việc khác, nhờ vậy không ai phải nghỉ chờ việc. Thu nhập của NLĐ vẫn ổn định ở mức 8 triệu đồng/người/tháng.
Cách đây hơn 2 tháng, do đơn hàng khan hiếm, Công ty TNHH Happy Smart Furnishings Việt Nam (chuyên sản xuất sofa; KCN Việt Nam - Singapore II, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã phải cho khoảng 60% CN hết hợp đồng lao động nghỉ việc. Hiện tại, dù khó khăn vẫn còn nhưng ban giám đốc vẫn cố gắng xoay xở việc làm cho hơn 500 CN còn lại với thu nhập trung bình từ 12-13 triệu đồng/người/tháng. "Chúng tôi đã cố hết sức để giữ việc cho CN, chờ khi nào tình hình ổn định sẽ thu nhận lại số CN nghỉ việc trước đó" - đại diện công ty cho biết.
Chủ động ứng phó
Đứng trước những thách thức từ các thị trường nước ngoài, một số DN tại TP HCM cũng đã chủ động tìm giải pháp ứng phó để giảm phụ thuộc, giữ vững được sản xuất và tạo việc làm cho NLĐ.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Giám đốc sản xuất Công ty CP Hợp tác và Phát triển kinh tế Savimex (quận 12, TP HCM), cho biết hiện bên cạnh mảng xuất khẩu, DN đã mở thêm nhãn hàng "Moho" chuyên cung cấp sản phẩm nội thất gỗ cho thị trường nội địa. Công ty đã có 2 showroom ở TP HCM, tháng 10-2022 sẽ khai trương showroom ở Hà Nội và trong năm 2023 sẽ có mặt tại thị trường Đà Nẵng, Cần Thơ…
Trong 4 tháng gần đây, doanh thu từ thị trường nội địa đạt gần 500.000 USD. Song song đó, DN đẩy mạnh đầu tư máy móc, công nghệ mới để giảm nhân công và tăng năng suất. Phong trào sáng kiến, cải tiến cũng được DN phối hợp với Công đoàn đẩy mạnh để tập hợp trí tuệ NLĐ. "Mỗi tháng, Hội đồng sáng kiến của DN đều họp và đánh giá những cải tiến, đưa vào áp dụng các sáng kiến có tính khả thi.
DN cố gắng giảm giá thành đến mức thấp nhất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm với các mặt hàng cùng loại. Đây là một hướng đi đúng đắn, chúng tôi không quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Nếu thị trường nước ngoài tiếp tục căng thẳng, chúng tôi vẫn còn thị trường nội địa và giữ được việc làm cho NLĐ" - ông Trung cho hay.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết từ đầu tháng 8 đến nay, do đơn hàng giảm nên CN rất ít tăng ca. Nếu như trước đây, NLĐ tăng ca 3 ngày/tuần và làm đến 20 giờ thì nay chỉ làm đến 18 giờ. Để duy trì việc làm cho CN, DN đã nỗ lực mở rộng thị trường để tìm kiếm đơn hàng mới. Cùng với sự cố gắng của DN, bản thân CN cũng khẳng định quyết tâm vượt khó bằng cách tăng năng suất lao động, giảm hàng lỗi. Nhờ đó, việc làm và thu nhập của NLĐ tương đối ổn định.
Tại Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), dù 3 tháng nay không tăng ca do ít đơn hàng nhưng việc làm và thu nhập của 100 CN vẫn bảo đảm. Được vậy là nhờ Công đoàn và ban giám đốc liên tục điều chỉnh kế hoạch sản xuất ở các bộ phận để không có bất kỳ CN nào phải nghỉ chờ việc. Song song đó, lương cơ bản và chính sách phúc lợi cũng được duy trì để NLĐ an tâm làm việc. "Lúc khó khăn, anh em CN vẫn gắn bó với mình thì dù thế nào công ty cũng không thể bỏ rơi họ" - ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn công ty, bộc bạch.
Tác động của sự suy yếu kinh tế toàn cầu hậu COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của NLĐ. Do vậy, trong bối cảnh này, sự sẻ chia của DN vô cùng quan trọng. Tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất lao động và phân công lao động hợp lý là sự lựa chọn của DN để duy trì việc làm cho NLĐ".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-9
Bình luận (0)