Trong đó có rất nhiều lý do "trời ơi đất hỡi" như công nhân (CN) không muốn tăng lương tối thiểu. Đa số người lao động (NLĐ) hiện nay không còn ăn lương thời gian mà ăn lương sản phẩm. Do đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu chỉ khiến mức đóng BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của CN tăng lên mà không khiến thu nhập thực tế của họ tăng theo.
Vậy NLĐ được lợi gì khi tăng lương tối thiểu? Đến giờ, sau nhiều năm áp dụng việc điều chỉnh hằng năm, nhiều ý kiến vẫn còn cho rằng không nên điều chỉnh vào đầu mỗi năm, làm gia tăng tranh chấp, gây phiền hà cho cả NLĐ và DN. Thay vào đó, 2, 3 hoặc 4 năm hãy điều chỉnh một lần mà điều chỉnh cho đáng!
Khi nghe ý kiến này, một cán bộ Công đoàn đã lập tức phản bác. Ông cho rằng việc điều chỉnh đang tiến hành hằng năm với tỉ lệ nhích từng chút một như hiện tại mà một số chủ DN còn kỳ kèo từng đồng, chỉ tăng đúng mà không thêm một đồng nào so với mức quy định của nhà nước. Ngay tại công ty ông, mang tiếng thương lượng nhưng quyết định cuối cùng bao giờ cũng là "nhà nước tăng bao nhiêu, mình tăng bấy nhiêu". Ông đặt vấn đề: "Lấy gì bảo đảm rằng nếu kéo giãn thời gian điều chỉnh thì DN sẽ rộng rãi với NLĐ? Hay sẽ tìm đủ mọi cách đẩy NLĐ cũ đi và tuyển mới để giảm chi phí? Nói NLĐ không muốn tăng lương tối thiểu chỉ là ngụy biện thôi, chính bản thân DN mới không mong muốn điều này vì họ phải tăng các khoản phí đóng bảo hiểm cho NLĐ".
Theo vị cán bộ Công đoàn này, thực tế ở nhiều DN, việc tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo đơn giá sản phẩm tăng lên. Trong trường hợp ít đơn hàng, không có tăng ca, thu nhập của CN cũng được bảo đảm ở mức tối thiểu chứ không thấp hơn. Về lợi ích lâu dài, việc tăng mức đóng BHXH sẽ bảo đảm về sau NLĐ hưởng thụ nhiều hơn. Mức đóng quá thấp thì về sau khi lưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần, CN lại chỉ biết kêu trời. Thử hỏi, lúc ấy, có DN nào sẽ sẵn sàng đưa tay hỗ trợ cho họ?
Bình luận (0)