Sau khi nghỉ thai sản 4 tháng, tôi đi làm trở lại thì ngày 30-11-2011, hiệu trưởng ra thông báo xử lý kỷ luật chuyển từ giáo viên đứng lớp sang làm lao công phục vụ, vệ sinh từ ngày 8-11-2011 đến 8-11-2013. Tôi bị cắt hết tiêu chuẩn thi đua, không được hưởng phúc lợi và nhận mức lương 1,5 triệu đồng/tháng, trong khi đã có thời gian gần 20 năm đứng lớp và mức lương gần 4 triệu đồng/tháng. Khi tôi khiếu nại, các cấp, ngành TP Hải Phòng và cả Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xem xét, yêu cầu khôi phục quyền lợi cho tôi nhưng đến nay, nhà trường vẫn không thực hiện”. Chị Trần Thị Hương, giáo viên Trường Mầm non BC Trường Sơn (thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng), cho biết như vậy trong đơn khiếu nại gửi Báo Người Lao Động mới đây.
Kỷ luật, cắt hết quyền lợi
Chị Trần Thị Hương cho biết 2 năm qua, chị và gia đình vô cùng khó khăn vì bị cắt hết mọi quyền lợi
Chưa hết, ngày 31-8-2012, nhà trường tiến hành ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) cho toàn bộ lao động. Chị Hương được đề nghị ký HĐLĐ với chức danh nhân viên phục vụ. Chị đề nghị nhà trường xem xét sửa lại HĐLĐ theo đúng chuyên môn và công việc đã làm 20 năm qua là giáo viên mầm non...
“Thế nhưng, không những không xem xét mà dựa vào lý do đó, trường cắt hết mọi chế độ, quyền lợi của tôi, không bố trí công việc và không cho tôi đến trường làm việc từ ngày 3-9-2012 đến nay” - chị Hương bức xúc.
Bất chấp chỉ đạo của cấp trên
Để ép chị Hương, bà Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thiếp đưa ra rất nhiều căn cứ, trong đó có công văn của Sở GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục Hải Phòng triển khai thực hiện Nghị quyết 47/NQ-TW của Bộ Chính trị về chính sách dân số.
Theo ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hải Phòng, trong báo cáo gửi UBND TP Hải Phòng ngày 10-12-2012, sở đã nêu rõ: “Dù cô Hương có khuyết điểm sinh con thứ 3 nhưng xét cả về tình và lý, việc hiệu trưởng chưa chấp nhận ký HĐLĐ với cô với chức danh chuyên môn giáo viên là không thỏa đáng. Đề nghị hiệu trưởng sớm xem xét và ký HĐLĐ với cô giáo Hương chức danh giáo viên để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động”. Tuy nhiên, lấy lý do “thừa giáo viên”, bà hiệu trưởng phớt lờ chỉ đạo, không ký HĐLĐ với chị Hương.
Khi sự việc chưa ngã ngũ, ngày 21-3-2013, bà Nguyễn Thị Thiếp chuyển công tác. Hiệu trưởng mới là bà Trịnh Thị Hạnh viện lý do “không nhận được bàn giao, hồ sơ vụ việc đã được khép lại khi đổi hiệu trưởng, đồng thời tại trường không còn giấy tờ gì liên quan đến chị Hương” nên từ chối giải quyết khiếu nại. Trong khi đó, ngay cả Thanh tra TP Hải Phòng trong báo cáo ngày 5-8-2013 cũng khẳng định: Giữa Trường Mầm non BC Trường Sơn và chị Hương đã xác định quan hệ lao động từ năm 2002. Trường không ký HĐLĐ với các giáo viên, trong đó có chị Hương, là vi phạm pháp luật lao động.
Không còn cách nào khác, ngày 5-9, chị Hương đã khởi kiện ra TAND huyện An Lão. Tuy nhiên, khi tòa án yêu cầu cung cấp một số giấy tờ như HĐLĐ, bảng lương, quyết định tuyển dụng trước đây…, chị Hương liên hệ nhà trường nhờ giúp đỡ thì bị từ chối.
Ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam: Vi phạm pháp luật lao động Pháp lệnh Dân số và các văn bản pháp luật hiện hành không quy định chế tài hoặc biện pháp xử lý kỷ luật đối với người sinh con thứ 3 trở lên (trừ đảng viên, nếu vi phạm sẽ bị xem xét kỷ luật Đảng). Do đó, việc bà Hương đang là giáo viên đứng lớp, do sinh con thứ 3 bị xử lý kỷ luật phân công làm lao công dọn dẹp vệ sinh, cắt hết quyền lợi, không xét thi đua, bắt ký lại HĐLĐ mới khi chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi của quan hệ lao động trước đây (dù không có HĐLĐ nhưng đã làm việc từ năm 2002 đến khi xảy ra tranh chấp) là không có cơ sở và vi phạm pháp luật lao động. |
Bình luận (0)