Học nghề tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phước Bình, (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM)
Lận đận tìm việc
Chị Th. sa vào đường mại dâm từ khi 18 tuổi. Đầu năm 2013, chị quyết tâm từ bỏ con đường sai lạc. Được Hội LHPN phường giới thiệu, chị đăng ký học may tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề Phụ nữ TP. Những tưởng có thể tìm được việc làm để trang trải cuộc sống nhưng không DN hay cơ sở nào chịu nhận chị vì lý do “hồ sơ có vết”.
“Đã từng lầm lỡ nhưng giờ tôi thật lòng muốn thay đổi để xây dựng gia đình. Đến cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ thì phải có người bảo lãnh và công khai lý lịch ở địa phương, tôi không có người bảo lãnh và cũng không muốn khai báo với chính quyền để tránh điều tiếng. Tôi phải làm sao bây giờ?” - chị buồn bã.
Anh Đinh Văn Ph., 26 tuổi (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) đang phải làm… thợ “đụng” dù đã học xong nghề sửa xe gắn máy tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phước Bình (trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP). Sau cai nghiện, quyết làm lại cuộc đời nên anh học sửa xe. Học xong, anh vào làm ở một tiệm gần Bến xe Miền Đông, TP HCM. Sau gần 1 tháng làm việc, chủ tiệm biết anh từng sử dụng ma túy nên cho thôi việc. “Họ sợ tôi tái nghiện sẽ ăn cắp để hút chích nên tìm lý do để đuổi. Nhiều bạn học chung với tôi ở trung tâm cũng rơi vào hoàn cảnh này” - anh Ph. buồn bã.
Chị Th. và anh Ph. là 2 trong rất nhiều lao động tái hòa nhập không được DN, cộng đồng đón nhận.
Khó đủ đường
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Chi Cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM, cho biết đa số phụ nữ từng bán dâm có nhu cầu học nghề, vay vốn tạo việc làm đều là người ngoại tỉnh, không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ổn định. Vì vậy, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong xét duyệt, hỗ trợ. Mặt khác, một số chị em vẫn còn mặc cảm, e dè khi tiếp xúc với chính quyền địa phương; số khác thường xuyên chuyển chỗ ở nên rất khó tiếp cận, vận động. Trong khi đó, chi phí hỗ trợ học nghề 2 triệu đồng/người chưa đáp ứng được nhu cầu của học viên và cơ sở đào tạo.
Là 1 trong 3 quận, huyện được TP giao thực hiện mô hình dạy nghề, kèm cặp cho người sau cai nghiện tại DN, quận 11 vẫn đang tiến hành thí điểm mô hình tại phường 14. Ông Đổng Văn Huy, cán bộ Phòng LĐ-TB-XH quận, cho biết khảo sát 140 đối tượng sau cai nghiện trên địa bàn quận thì có 102 người làm nghề tự do, chỉ 21 người có thu nhập ổn định.
“Để phục vụ công tác hỗ trợ học nghề, việc làm cho các đối tượng này, Phòng LĐ-TB-XH quận đề xuất thành lập trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định nào cho phép các quận, huyện được thành lập cơ sở thực hiện chức năng đó” - ông Huy cho biết.
Doanh nghiệp không mặn mà Theo quy định, DN tự nguyện, cam kết nhận người sau cai nghiện vào học nghề và giải quyết việc làm lâu dài (từ 6 tháng trở lên, sau thời gian học nghề) chỉ được địa phương thanh toán 1 triệu đồng/người. Vì vậy, nhiều DN chưa mặn mà tiếp nhận lao động tái hòa nhập cộng đồng. Ông Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết hiện vẫn chưa có thêm chính sách ưu đãi nào cho DN. |
Bình luận (0)