Sau hơn 3 ngày ngừng việc để phản ứng chất lượng bữa ăn quá kém, đi vệ sinh bị hạn chế và kiểm soát gắt gao, tập thể công nhân (CN) Công ty Shilla Bags Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc; quận 12, TP HCM) và chủ doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực hòa giải.
Những quy định kỳ quặc
Theo phản ánh của CN, công ty có nhiều quy định rất phi lý. Chẳng hạn, thời gian làm việc bắt đầu từ 7 giờ 30 phút nhưng CN phải vào xưởng trước 7 giờ 20 phút, nếu đi trễ dù chỉ 1 phút, bảo vệ cũng không cho vào, bị lập biên bản, trừ lương 1 ngày công và phạt thẻ vàng (bị trừ 50.000 đồng/thẻ vàng). “Ai bị 2 thẻ vàng/tháng sẽ phải nhận 1 thẻ đỏ, tức là bị đuổi việc” - anh H., CN công ty này, cho biết.
CN xin nghỉ phép, công ty không cho nhưng khi nào hết hàng lại ép CN nghỉ; nếu bức bách quá phải nghỉ không phép thì bị lập biên bản, phạt thẻ vàng, trừ tiền chuyên cần, hạ bậc ABC. “Có chị nhận được tin con bệnh, xin phép về nhưng không ai chịu duyệt, chị cầm tờ giấy phép chạy hết nơi này đến nơi kia để xin, khóc hết nước mắt mà vẫn bị phớt lờ” - công nhân N. bức xúc.
Đã vậy, từ tháng 1-2014, công ty quy định tính thời gian tăng ca theo “block” 15 phút: tăng ca từ 0-14 phút tính 0 phút, từ 15-29 phút tính 15 phút, 30-44 phút tính 30 phút và 45-59 phút tính 45 phút. Với cách tính này, cứ mỗi giờ tăng ca, CN bị mất 15 phút. Bức xúc của CN lên đến đỉnh điểm khi gần 1 tháng nay công ty quy định mỗi ngày CN chỉ được đi vệ sinh buổi sáng 1 giờ, buổi chiều 1 giờ; khi đi vệ sinh phải lấy thẻ bài, xuất trình thẻ CN cho người gác cửa nhà vệ sinh. “Hai chuyền của chúng tôi với gần 100 CN chỉ có 2-3 thẻ bài, nhiều nhà vệ sinh lại bị hư không sử dụng được; trong khi công ty có tổng cộng gần 900 CN, nhà vệ sinh không thể đáp ứng nhu cầu của từng ấy con người trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Tôi bị bệnh thận, có trình giấy xác nhận của bác sĩ mà cũng phải đi vệ sinh trong giờ quy định. Nhiều khi bức bí phát khóc mà cũng không được giải quyết” - chị L. nói.
Theo quy định, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 30 phút khi đến kỳ kinh nguyệt nhưng không những không được nghỉ, không được vệ sinh cá nhân, công ty còn quy định rất lạ đời là mỗi chị em chỉ được mang theo 2 miếng băng vệ sinh/ngày!
Không còn niềm tin
Sau khi CN ngừng việc phản ứng, ông Cho Myung Hoan, giám đốc công ty, hứa sẽ “khắc phục từ từ”. Tuy nhiên, CN không còn tin nữa bởi “khi cơ quan chức năng ra về thì mọi việc sẽ lại như cũ” - một CN tên K. nói.
Trước đây, khi chất lượng bữa ăn quá kém và không bảo đảm vệ sinh, CN đã nhiều lần có ý kiến và mang chén nước tương có dòi lên báo cáo. Công ty lập biên bản hứa khắc phục nhưng rồi đâu lại vào đó vì phía cung cấp suất ăn chính là chủ đất công ty đang thuê. Lần này, công ty hứa sẽ không hạn chế việc đi vệ sinh nhưng vẫn bắt CN dùng thẻ, phải ghi tên tuổi và có người quản lý. Chưa kể, công ty còn trù dập CN nếu dám thắc mắc, khiếu nại. Chính vì lẽ đó, khi CN ngừng việc, các cơ quan chức năng yêu cầu cử đại diện vào làm việc, không ai chịu vào vì sợ bị nhớ mặt và trả thù. Điều đó được chứng minh ngay sau đó khi ông Cho Muyng Hoan yêu cầu bảo vệ kéo 6 nữ CN ra khỏi xưởng và dọa đuổi việc chỉ vì nghi ngờ họ “cầm đầu” cuộc ngừng việc ngày 14-3.
Do niềm tin không còn và cho rằng công ty chưa thể hiện thành ý khi giải quyết tranh chấp nên CN vẫn tiếp tục ngừng việc, bất chấp nỗ lực hòa giải của cơ quan chức năng. Ngày 15-3, toàn bộ CN đã đồng loạt đòi nghỉ việc khi nhận được lời thách thức của đại diện công ty: Nếu CN nào không chịu trở lại làm việc thì nộp đơn thôi việc.
Đề nghị thanh tra, xử lý
Ông Trần Văn Triều, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 12, TP HCM, cho biết: Công ty Shilla Bags Việt Nam thường xảy ra ngừng việc nên LĐLĐ quận đã nhiều lần đề xuất các cơ quan chức năng TP thanh tra, kiểm tra. “Thế nhưng, việc thanh tra, kiểm tra có thực hiện hay không thì LĐLĐ quận không nắm được bởi không được thông báo. Chúng tôi sẽ báo cáo, đề nghị LĐLĐ TP phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP kiểm tra, xử lý rốt ráo, không để tình trạng bất ổn kéo dài” - ông Triều nhấn mạnh.
Bình luận (0)