Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tổ chức Action Aid Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát đời sống việc làm của lao động nữ nhập cư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN). Khảo sát chỉ rõ phần lớn lao động nữ nhập cư có thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh, chỗ ở tạm bợ, sinh hoạt thiếu thốn…
Không đáp ứng nhu cầu sống
huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương Ảnh: VĨNH TÙNG
Kết quả đáng chú ý là tỉ lệ lao động nữ nhập cư có thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng chiếm đến 31,3%; từ 3,1-4 triệu đồng/tháng chiếm 39,7%; từ 4,1-5 triệu đồng/tháng chiếm 28,6% và chỉ khoảng 2% có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Mặc dù thu nhập thấp nhưng họ phải chi một khoản tiền không nhỏ cho việc thuê nhà, nuôi con, gửi trẻ. Theo khảo sát, số lao động nữ nhập cư phải thuê nhà trọ chiếm 70,8% với chi phí thuê nhà bình quân chiếm từ 1/5-1/8 tiền lương; trong khi chi phí nuôi con nhỏ ăn học chiếm trên dưới phân nửa tiền lương.
Bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam - chủ trì cuộc khảo sát, cho biết kết quả khảo sát phản ánh thu nhập thực tế của đa số người lao động, trong đó có lao động nữ nhập cư còn quá thấp, không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. “Cuộc sống khó khăn buộc 39,1% lao động nữ nhập cư cắt giảm tối đa chi tiêu và 88,8% phải làm thêm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống ” - bà Hồng nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện cả nước có 289 KCX-KCN, trong đó 185 KCX-KCN đã đi vào hoạt động nhưng hầu hết chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động. Điều này tạo thêm gánh nặng cho lao động nữ nhập cư trong điều kiện thu nhập ít ỏi.
Sớm điều chỉnh lương tối thiểu
Mặc dù mức thu nhập thấp như vậy nhưng lao động nữ nhập cư vẫn phải chi tiêu eo hẹp để gửi tiền về quê hỗ trợ người thân cũng như dự phòng khi ốm đau, bất trắc. Khoảng 62,5% lao động nữ nhập cư cho biết có gửi tiền về quê cho người thân và khoảng 44% nói để dành được một khoản tiền nhỏ dự phòng. “Lấy thu nhập trừ đi các khoản chi, lao động nữ nhập cư ở vùng I còn dư 192.000 đồng/tháng; vùng II dư 560.000 đồng/tháng; vùng III dư 602.000 đồng/tháng; vùng IV dư 719.000 đồng/tháng” - báo cáo khảo sát nêu.
Như vậy, lao động nữ nhập cư chỉ còn một khoản tiền rất ít ỏi sau khi đã chi cho cá nhân, còn lại nuôi con và các khoản khác. Với số tiền tiết kiệm không là bao này, chỉ cần có những biến động về sức khỏe, về học hành của con cái, lao động nữ nhập cư sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn.
Thúc đẩy quyền của lao động nhập cư Tại buổi tọa đàm “Chính sách, mô hình để thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động tại các KCN” do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Tổ chức Oxfam đoàn kết Bỉ tổ chức sáng 13-12, bà Ngô Hương, Giám đốc CDI, cho rằng nhà nước cần có những chính sách phù hợp để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi cho lao động nhập cư, nhất là nữ giới. Theo bà Hương, dự án thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động nhập cư tại các KCN phía Bắc được CDI triển khai tại TP Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc từ tháng 4-2011 và sẽ kết thúc vào tháng 3-2014. Đến nay, đã có hơn 40.000 lao động tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, được trang bị kiến thức về pháp luật lao động để tự bảo vệ mình. |
Bình luận (0)