“Tiền lương của công nhân (CN) quá thấp, đến nỗi không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu. Nhiều CN lâm vào cảnh túng thiếu, sống cuộc sống dặt dẹo. Trực tiếp nói chuyện với nhiều CN, tôi không khỏi xót xa khi nghe họ tâm sự được tăng ca là niềm hạnh phúc”. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện CN - Công đoàn (CĐ), đã thốt lên như vậy tại hội thảo “Việc làm, quan hệ lao động và hoạt động CĐ khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA)” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức sáng 29-8 ở TP HCM.
Nhiều hậu quả khôn lường
Ông Thọ cho biết hiện tiền lương của nước ta chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanmar và một số nước nghèo khác trong khu vực. Dù lương có tăng nhưng mức tăng chưa đáp ứng nhu cầu sống. Việc giải quyết tiền lương chưa thỏa đáng dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Ông lo ngại: “CN nghèo túng dễ tha hóa, làm liều, dễ có hành vi phạm pháp, gây hại cho xã hội”.
Theo ông Phạm Văn Kết, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP HCM, lương bình quân ở nước ta có sự chênh lệch giữa lao động gián tiếp và trực tiếp sản xuất. Tình trạng này chủ yếu diễn ra ở doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài. Các DN, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực dệt - may, khôn khéo tận dụng lao động giản đơn trong quá trình sản xuất với đồng lương rẻ mạt.
“DN chỉ trả lương cao hơn mức quy định chút ít cho lao động phổ thông để đối phó với cơ quan chức năng. Trong khi đó, các khoản phúc lợi, hỗ trợ CN hầu như không có. Cuộc sống khốn khó, CN phải tình nguyện đăng ký làm thêm nhưng thu nhập vẫn không bù đắp được giá cả thị trường tăng chóng mặt” - ông Kết nhấn mạnh.
Tình trạng DN nợ lương, BHXH cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các gia đình CN. Ông Lê Văn Ẩn, đại diện LĐLĐ tỉnh Long An, đưa ra dẫn chứng việc 40 DN trên địa bàn nợ lương, BHXH hơn 80 tỉ đồng đã đẩy vô số CN vào cảnh bần cùng. Nhiều DN nhỏ lẻ bóc lột thậm tệ sức lao động bằng cách trả lương thấp, CN phải cật lực tăng ca để có thêm thu nhập.
Khó xây nhà trẻ cho con công nhân
Bên cạnh tiền lương, việc đưa nhà trẻ vào các KCX-KCN cũng được các đại biểu cho là cấp thiết nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và đời sống CN.
Ông Trần Hảo Trí - Phó Phòng Quan hệ lao động, Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM - thừa nhận số nhà trẻ ở các KCX-KCN TP chưa đáp ứng được nhu cầu của CN. Những khu vực đã quy hoạch lâu năm không có hạ tầng đồng bộ, như: đất xây nhà trẻ, bếp ăn… Nhiều DN có chủ trương hoặc đã và đang xây dựng nhà trẻ đều gặp rắc rối trong việc tuyển giáo viên mầm non. Thời gian đưa đón con của CN cũng tréo ngoe do họ phải tăng ca. Hiện TP HCM chỉ có 1 trường mầm non ở KCN Hiệp Phước, phục vụ 150 con CN.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho rằng tuy một số DN mạnh dạn đầu tư xây dựng nhưng việc sử dụng nhà trẻ chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử, Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam bỏ ra 50 tỉ đồng để xây nhà trẻ phục vụ 700 con CN. Song, khi nhà trẻ hoạt động chỉ thu hút khoảng hơn 300 cháu. “Do chi phí cao, xa nhà, bất tiện trong việc đón rước nên ít gia đình mặn mà với mô hình nhà giữ trẻ trong DN” - bà Ý giải thích.
Ông Nguyễn Kiều Mới, đại diện CĐ Công ty CP Dệt may Gia Định - Phong Phú, thừa nhận: “Nhà nước chỉ cấp đất sản xuất nên DN không thể cắt đất ra xây nhà trẻ. Do không tìm được chỗ gửi con cuối tuần, nhiều CN phải mang vào nhà máy”.
Nhiều đại biểu đề nghị nhà nước chỉ nên duyệt các đề án xây dựng KCX-KCN có nhà trẻ, nhà ăn, nhà văn hóa… Như vậy, đời sống của CN mới phần nào được cải thiện.
Tác động trực tiếp đến người lao động
Các chuyên gia đánh giá Hiệp định TPP và EVFTA tác động trực tiếp tới việc làm của người lao động vì có nhiều nội dung liên quan đến quyền của người lao động, tiêu chuẩn lao động, tự do hiệp hội - CĐ… Những nội dung của các hiệp định về vấn đề lao động đặt ra yêu cầu phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); nếu vi phạm cam kết, không thực thi nghiêm chỉnh có thể bị áp dụng chế tài nghiêm khắc.
Bình luận (0)