Theo tính toán, mức đóng BHYT hộ gia đình tăng cao nhất với người tham gia số 1 nhưng cũng chỉ tăng 4.500 đồng/tháng và từ người tham gia thứ tư trở đi có mức tăng thấp nhất 1.800 đồng/tháng.
Về kinh phí tham gia BHYT hộ gia đình, Tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định mức đóng BHYT của đối tượng hộ gia đình: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Việc giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Theo đó, mức đóng BHYT theo hộ gia đình từ ngày 1-7-2019 có thay đổi. Cụ thể là, người thứ nhất đóng 67.050 đồng/tháng, tăng 4.500 đồng mỗi tháng; đóng một năm là 804.600 đồng, tăng 54.000 đồng mỗi năm. Còn với mức đóng hiện nay, người thứ nhất đóng 62.550 đồng/tháng. Mức đóng một năm là 750.600 đồng.
Với người thứ hai, đóng 46.935 đồng/tháng, tăng 3.185 đồng mỗi tháng. Mức đóng một năm là 563.220 đồng, tăng 38.800 đồng mỗi năm.
Với người thứ ba, đóng 40.230 đồng/tháng, tăng 2.700 đồng mỗi tháng. Mức đóng một năm là 482.760 đồng, tăng 32.400 đồng mỗi năm.
Với người thứ tư, đóng 33.525 đồng/tháng, tăng 2.250 đồng mỗi tháng. Mức đóng một năm là 405.300 đồng, tăng 27.000 đồng mỗi năm.
Từ người thứ 5 trở đi, đóng 26.820 đồng/tháng, tăng 1.800 đồng mỗi tháng. Mức đóng một năm là 321.840 đồng, tăng 21.600 mỗi năm.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 22 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 và hướng dẫn của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức hưởng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.
Trong trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Bình luận (0)