xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhọc nhằn đời hát rong

Bài và ảnh: KIM NGÂN

Với chiếc loa và xe máy làm hành trang, họ rong ruổi khắp phố phường dùng lời ca tiếng hát để mưu sinh

Đối với dân nhậu ở TP HCM, không ai còn lạ gì những người hát rong chuyên bán trái cây, kẹo kéo, kẹo mút có mặt ở hầu hết các quán xá. Đến từ những vùng miền khác nhau, họ đã bươn chải đủ nghề để kiếm sống và cuối cùng “trụ lại” với nghề hát rong vừa để mua vui cho thiên hạ vừa mưu sinh.

Nhẫn nhục làm nghề

Chúng tôi gặp Thiên Sanh Thái (SN 1994, quê Ninh Thuận) khi anh đang hát trong một quán lẩu dê ở gần ký túc xá ĐHQG TP HCM (ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Nhìn cách biểu diễn tự tin, ít ai nghĩ anh Thái chỉ mới có thâm niên một năm trong nghề. Dứt câu hát, anh cầm một chùm kẹo mút đến từng bàn chào mời khách. Có bàn ủng hộ, cũng có bàn không nhưng anh Thái vẫn cười tươi cảm ơn. Khi những chiếc kẹo trên tay vơi dần, anh thu dọn đồ nghề di chuyển đến địa điểm khác. Hỏi vì sao không chọn nghề nào cho đỡ vất vả, anh Thái cười: “Lặn lội vào TP HCM từ năm 2011, tôi làm đủ thứ nghề như phụ quán phở, bốc vác... nhưng không đủ sống. Thấy mấy cô chú đi hát, tôi xin theo học rồi... hành nghề cho đến nay”.

Anh Lê Tuấn Phong hát tại một quán trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP HCM
Anh Lê Tuấn Phong hát tại một quán trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP HCM

Nhớ lại thời gian đầu vào nghề, “nghệ sĩ” Lâm Gia Hải, cùng quê với anh Thái, cười vui: “Hôm đầu đi hát, tay chân tôi run lẩy bẩy, quên cả lời, không dám mời ai mua kẹo”. Ngày nào cũng vậy, anh rời nhà từ 17 giờ và rong ruổi khắp nơi đem lời ca tiếng hát của mình để mưu sinh. 23 giờ, khi quán xá bắt đầu thưa thớt, anh Hải lại thu dọn đồ nghề trở về nhà trọ gần KCN Sóng Thần (tỉnh Bình Dương).

Trọ tại quận Gò Vấp, mỗi ngày, anh Võ Đức Vũ (SN 1990, quê Thừa Thiên - Huế) phải chạy xe hàng chục cây số để mưu sinh. Anh kể: “Theo nghề này là phải biết nhẫn nhịn. Gặp khách say xỉn, họ ném cả thức ăn vào người hoặc bị chủ quán xua đuổi. Nhiều khi khách mượn micro, hát xong rồi quăng luôn trong nhà vệ sinh... Việc bị tai nạn xe máy, hư hỏng đồ nghề, dân nhậu gây sự xảy ra như cơm bữa”.

Chắt chiu cho gia đình

Bị teo cơ chân từ bé sau một cơn sốt, cách đây 5 năm, anh Lê Tuấn Phong (quê Thanh Hóa) quyết định vào Nam mưu sinh. Đôi chân không thể đứng vững nên anh không làm được những công việc nặng nhọc. Sẵn có khiếu ca hát, anh vay tiền mua chiếc xe máy và cái loa cũ để khởi nghiệp. Nhìn anh bước đi tập tễnh đem lời ca tiếng hát để mưu sinh, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mỗi ngày anh Phong đi gần 20 quán để phục vụ các “thượng đế”. Nhờ giọng ca truyền cảm và cách mời khách dễ thương, anh bán cũng được kha khá kẹo. “Những lúc khách thưởng thêm 5.000 đồng hay 10.000 đồng, kèm theo lời động viên, tôi vui lắm. Sống được bằng sức lao động của chính mình, tôi rất mãn nguyện” - anh Phong tâm sự. Anh cho biết thêm thuộc lời, hát đúng tông và chọn dòng nhạc phù hợp với chất giọng là yếu tố căn bản để người “nghệ sĩ đường phố” làm hài lòng “thượng đế”. Để giảm chi phí, anh Phong lặn lội tận Chợ Lớn mua sỉ các loại kẹo, riêng kẹo kéo thì tự làm. Không chỉ nuôi sống bản thân, anh còn dành dụm gửi về phụ giúp gia đình.

Chúng tôi ghé thăm anh Võ Đức Vũ trong một xóm trọ nghèo tại quận Gò Vấp, TP HCM. Căn phòng rộng chỉ chừng mấy mét vuông, ẩm thấp và ngột ngạt. Ngoài vài bộ đồ để đi diễn, tài sản có giá trị nhất của anh là cái loa, chiếc micro và chiếc xe máy cà tàng. Chúng tôi đến khi Vũ đang làm kẹo kéo. Đôi bàn tay anh thoăn thoắt kéo thanh kẹo còn nóng hổi, mồ hôi tuôn như tắm. Xòe hai bàn tay đỏ tấy, Vũ cười: “Tự làm kẹo sẽ giúp giảm chi phí, chỉ cần chịu khó một chút. Mỗi tháng, trừ các khoản chi phí nhà trọ, ăn uống, tôi có thể dành dụm được 2 triệu đồng để gửi về nhà phụ giúp gia đình”. Khi Vũ làm xong mẻ kẹo thì trời cũng xế chiều, bên ngoài mưa lất phất. Ăn vội hộp cơm mua từ trưa, anh hấp tấp thay quần áo và chất đồ nghề lên xe để tiếp tục cuộc mưu sinh.

“Đem lời ca tiếng hát để kiếm sống là niềm vui của những người hát rong như tôi. Kiếm được đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của mình, chúng tôi rất tự hào về điều đó” - anh Võ Đức Vũ chia sẻ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo