Ngồi trước mặt chúng tôi là vợ chồng chị Lê Thị Quyên, nguyên là công nhân (CN) một doanh nghiệp ở KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM. Chị Quyên vừa bị công ty cho nghỉ việc vào đầu tháng 9-2013 khi đang mang thai 5 tháng. “Họ cho vợ tôi nghỉ việc khi đang mang thai thì có vi phạm luật không? Nếu vợ tôi không có việc làm thì tới ngày sinh, có được hưởng chế độ thai sản không?” - chồng chị Quyên lo lắng hỏi.
Sáng sinh con, chiều thất nghiệp
“Tôi hết sức bất ngờ. Trước đó, tôi đã hỏi cán bộ Công đoàn các KCX-KCN TP thì được biết nếu hợp đồng 1 năm của tôi hết hạn, công ty không muốn ký tiếp thì phải báo trước 15 ngày. Sau ngày 15-8, không nghe phòng nhân sự nói gì, tôi cứ nghĩ mình sẽ được tiếp tục làm việc, không ngờ đến sát ngày hết hạn, công ty mới thông báo. Tôi có hỏi nhiều nơi nhưng đều được trả lời công ty làm như vậy là đúng luật vì hợp đồng của tôi hết hạn chớ không phải công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng”.
Trao đổi với chúng tôi về việc tại sao lại không báo trước cho chị Quyên 15 ngày như luật định, đại diện công ty nhìn nhận thiếu sót và cho biết: “Thật sự thì lúc đầu, công ty cũng định tiếp tục giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn vì chị Quyên rất chăm chỉ, siêng năng, làm việc có trách nhiệm. Tuy nhiên, sau khi biết chị Quyên có thai thì một thành viên trong ban giám đốc không đồng ý nên chúng tôi mới thông báo trễ như vậy”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết tại công ty còn có 8 trường hợp lao động nữ không được tái ký HĐLĐ khi đang nghỉ thai sản. Cá biệt, chị L.T.M vừa sinh con buổi sáng thì buổi chiều nhận được thông báo cho nghỉ việc.
Trước lo lắng của vợ chồng chị Quyên, chúng tôi chỉ còn biết an ủi: “Thôi thì trước mắt đi đăng ký thất nghiệp để được hưởng trợ cấp. Còn chế độ thai sản thì cứ yên tâm vì luật quy định chỉ cần đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng”.
Cạn tình
“Chúng tôi không làm gì sai luật. Chỉ có điều là xét về tình thì cũng thấy áy náy. Nhưng thôi, trời sinh voi, sinh cỏ; nghỉ ở đây họ sẽ tìm chuyện khác mà làm, có khi còn tốt hơn”. Đây là trả lời của ông L.T.H, tổng giám đốc một công ty dệt may có trụ sở đóng trên địa bàn quận Thủ Đức, TP HCM.
Vừa qua, tại công ty có 3 nữ CN bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày. “Sau khi phẫu thuật hồi tháng 3, tôi phải nhập viện 2 lần để tiếp tục điều trị, mỗi đợt phải nghỉ 10 ngày và tốn hơn 10 triệu đồng. Khi trở lại công ty làm việc, tôi đã rất cố gắng nhưng sức khỏe yếu không thể bảo đảm năng suất như trước, vậy là phòng tổ chức gọi lên đề nghị viết đơn xin nghỉ việc. Họ nói nếu nghỉ bây giờ sẽ được hưởng chế độ gì gì đó mà tôi không hiểu. Tôi bảo để suy nghĩ và hỏi ý kiến gia đình nhưng họ cứ hối thúc. Nếu nghỉ bây giờ, tôi không còn BHYT thì tiền đâu trị bệnh?” - chị L., một trong 3 nữ CN, buồn rầu.
Một trường hợp tương tự xảy ra tại Công ty J. (có vốn đầu tư Hàn Quốc, đóng trên địa bàn quận Thủ Đức, TP HCM). Dù ngày 6-10 là chủ nhật nhưng chị L.N.O cũng đến Báo Người Lao Động để nhờ giúp đỡ. O. cho biết do sức khỏe yếu lại phải làm việc căng thẳng, chị đã bị ngất mấy lần khi đang làm việc.
“HĐLĐ của tôi hết hạn vào cuối tháng 10 nhưng mấy hôm nay, giám đốc sản xuất cứ bắt tôi phải nghỉ việc. Tôi không đồng ý thì ông ta bảo từ thứ hai, 7-10, không cho tôi vô công ty nữa. Giờ tôi phải làm sao?” - chị O. cầu cứu.
Ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Công ty Tâm Việt, quận 2, TP HCM: Nên có trước, có sau Tôi luôn tin vào luật nhân - quả. Gieo nhân lành sẽ nhận quả ngọt và ngược lại. Trong cuộc sống nên có trước, có sau. Luật pháp luôn khách quan, lạnh lùng nhưng người thực hiện thì phải có nhận thức, cân nhắc. Đẩy một người khó khăn vào đường cùng, nếu lương tâm ai đó thấy thanh thản thì chỉ có thể nói rằng đó là một việc làm bất nhân. |
Bình luận (0)