Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giai đoạn mà ai cũng phải nỗ lực để "cạnh tranh" việc làm với máy móc, công nghệ thì lao động nữ chính là đối tượng tỏ ra lo lắng nhiều hơn.
Tương lai bất an
Thông tin công ty sẽ nhập về một dây chuyền mới hoàn toàn tự động đã dấy lên từ lâu tại Công ty TNHH May thêu Nguyễn Đình (quận 12). Đây là tin mừng bởi điều đó khẳng định sự lớn mạnh của doanh nghiệp (DN), song lại khiến nhiều nữ công nhân (CN) đang làm việc tại đây bất an bởi họ có nguy cơ mất việc hoặc giảm thu nhập.
Đã có hơn 7 năm gắn bó với công ty này từ ngày đầu thành lập, chị Âu Thị Phượng có vẻ buồn khi chia sẻ, công việc ở đây rất tốt, thu nhập cũng ổn định, thấy công ty làm ăn ngày một khấm khá ai cũng mừng. "Nghe nói vừa rồi, công ty trúng hợp đồng lớn từ một đối tác châu Âu. Họ yêu cầu khắt khe nên công ty phải đầu tư dây chuyền sản xuất mới, tự động hóa hoàn toàn nên khả năng số CN sẽ phải giảm hơn một nửa. Dù được lãnh đạo công ty thông báo từ giữa năm nhưng ai cũng hoang mang" - chị Phượng nói.
Nữ nhân viên Công ty CP Winsor tham gia một khóa học tiếng Anh để nâng cao trình độ
Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH May thêu Nguyễn Đình, cho biết: "Công ty hiện có hơn 200 lao động trong đó 90% là lao động nữ lành nghề. Đứng trước yêu cầu mới, công ty buộc phải đầu tư máy móc hiện đại để đáp ứng điều kiện của khách hàng. Về lâu dài thì đây là giải pháp giảm chi phí nhân công, và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chúng tôi cũng đang đau đầu với bài toán cắt giảm lao động, bởi dù gì chị em đã gắn bó và cống hiến cho công ty nhiều năm. Thế nhưng, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác".
Công ty lo một thì 100 lao động nữ tại đây lo gấp mười lần. Bị đẩy ra đường, chắc chắn họ sẽ phải tìm kiếm công việc mới và làm lại từ đầu trong khi tuổi đời không còn trẻ. Đây là dấu hiệu cho thấy những khó khăn của lao động nữ trong thời đại máy móc, công nghệ dần chiếm lĩnh các nhà máy, xí nghiệp.
Cùng cảnh ngộ như chị Phượng, chị Lê Thị Út Liên, nhân viên nhân sự cho một công ty công nghệ tại quận Bình Thạnh - cũng có nguy cơ mất việc khi công ty của chị bị một DN Thái Lan thâu tóm.
Chị vào làm vị trí này được hơn 5 năm và rất thạo việc, được bộ phận nhân sự đánh giá cao. Nhưng khi công ty của chị bán hơn 40% vốn cho đối tác nước ngoài, họ đưa người của họ vào quản trị và thực hiện thay đổi lớn về cách quản trị nhân sự. Công việc lâu nay chị phụ trách có thể thao tác bằng các công cụ hỗ trợ trên phần mềm văn phòng đơn giản thì nay được thay thế bằng phần mềm chuyên dụng.
Bộ phận nhân sự của tập đoàn hiện nay hơn 50 người, phụ trách hơn 1.000 lao động của công ty. Theo kế hoạch đã được duyệt, vào đầu 2018, bộ phận này giảm xuống còn 12 người vì phần mềm chuyên dụng được mua bản quyền từ Ấn Độ có thể thay thế gần như mọi hoạt động. Do đó, 38 người phải chuyển qua bộ phận khác hoặc phải nghỉ việc.
"Phụ nữ như tôi còn con cái, gia đình nên không còn thời gian học thêm, trau dồi thêm kiến thức. Vì thế, việc chuyển qua các bộ phận khác là không thể, chỉ còn cách nghỉ việc thôi" - chị Liên lo lắng.
Thách thức cũng là cơ hội
Trái ngược với những lo lắng của người lao động (NLĐ), ThS Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, lại có cái nhìn lạc quan hơn. Chị khẳng định phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc chiến lao động, việc làm trong kỷ nguyên 4.0.
Chị Tâm phân tích rằng nếu ngày xưa người giúp việc (đa phần là nữ) phải tự đi tìm nơi làm việc, phải xin vào công ty giúp việc nào đó thì giờ chỉ cần ngồi nhà, mở smartphone, tải ứng dụng giúp việc, chờ khách hàng đặt hàng và đến làm, tiền công trả qua tài khoản hay trực tiếp, chất lượng dịch vụ được tính bằng sao trên nền tảng công nghệ.
Hay như chị em muốn bán hàng, nếu ngày xưa phải có mặt bằng làm cửa hàng để bán thì nay chỉ cần bán online trên mạng, khách đặt hàng thì có lực lượng giao hàng, thu hộ làm rồi, bạn chỉ việc rao lên mạng, tư vấn và chăm sóc khách hàng thôi. Hay chị kế toán, ngoài công việc văn phòng chính thức, chị cũng có thể nhận làm thêm báo cáo thuế cho một vài DN nhỏ nào đó. Tất cả đều làm trên không gian mạng, muốn nhận bao nhiêu cũng được nếu làm nổi.
NLĐ chân tay thuần túy cũng đừng quá lo lắng. Khi lực lượng lao động có tay nghề, có trình độ họ làm việc hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn ắt họ phải chi tiêu nhiều hơn, nhu cầu tiêu tiền cao thì đó là cơ hội cho bạn. Các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, du lịch... sẽ tăng cao. Bạn sẽ có nhiều thu nhập nếu tham gia vào chuỗi cung ứng này.
"Đấy, đâu phải ít việc, rất nhiều việc là đằng khác, dịch vụ thời buổi này phong phú hơn nhiều, có giá trị cao hơn, nhanh gọn hơn, chuyên nghiệp hơn. Vấn đề là NLĐ có chịu học hỏi, nghiên cứu và chấp nhận thay đổi hay không mà thôi" - chị Tâm nói thêm.
Robot thông minh đến mấy cũng không thể thay thế được con người. Vì vậy, người lao động buộc phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, tiếng Anh... để thích ứng" .
Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực
và Thị trường lao động TP HCM)
Bình luận (0)